Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chất lượng giáo dục nhìn từ… nhà vệ sinh!

Tạp Chí Giáo Dục

NVS dành cho HS rất sạch sẽ với nhiều hình ảnh sinh động của Trường Tiểu học An Phú 1 (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: Trần Văn Tám
Theo một khảo sát tại 30 trường phổ thông ở Hà Nội, nhà vệ sinh (NVS) được học sinh (HS) nữ đánh giá là nơi mất an toàn nhất trong trường, dễ diễn ra những hành vi bạo lực giới tính.
Các chuyên viên nghiên cứu đã tiếp cận trên 3.000 HS các trường THCS và THPT trong 6 tháng qua đã cho rằng NVS là nơi mất an toàn nhất ở trường học; chỉ có 12% HS nữ và 22% HS nam cho rằng NVS ở trường an toàn và sạch sẽ…
NVS chưa được quan tâm đúng mức
Vấn đề NVS tại nhiều trường học mất… vệ sinh đã được nêu lên rất nhiều nhưng hiện chuyển biến rất chậm. Bản thân các NVS thường được xây dựng khiêm tốn về diện tích, ít khi được xây dựng bằng các vật liệu chất lượng cao, hệ thống nước xả và xử lý vệ sinh thường không được đảm bảo, không đủ ánh sáng, việc dọn dẹp cũng ít được chú ý đúng mức… Do đó rất nhiều HS ngại đi vệ sinh, trừ trường hợp không thể tránh được. Đó là chưa kể ở những nơi mà trường lớp còn tạm bợ thì NVS lại càng kém hơn.
Có thể có ý kiến cho rằng do khó khăn về kinh phí nên việc đầu tư cho phòng học, mua sắm trang thiết bị… còn hạn chế thì khó có thể đầu tư xây dựng các NVS cho khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, đó có thể xem là một sự bào chữa kém thuyết phục, mà nguyên nhân chủ yếu có lẽ chưa có quan điểm xem trọng việc xây dựng các NVS đạt chất lượng tốt để phục vụ HS. Ngay cả ở một số trường được coi là đạt chuẩn quốc gia, được xây dựng khang trang thì cũng có khi NVS cho HS được xây dựng không tương xứng. Đã vậy, nhiều trường cũng “tiết kiệm” nên không bố trí nhân sự để làm công việc dọn dẹp mà việc này được thực hiện khá thưa trong ngày, dẫn đến tình trạng các em phải “cố nhịn”!
Từ các hiện tượng đó, tuy không trực tiếp tác động đến chất lượng giáo dục nhưng rõ ràng không thể cho rằng chất lượng của các NVS không ảnh hưởng gì đến việc học tập của HS. Ở mức độ đơn giản, một HS bị bức xúc về nhu cầu vệ sinh nhưng cố kìm nén thì không thể chú tâm đầy đủ cho việc học. Cao hơn, với “ấn tượng” không hay về NVS, các em có thể không có trạng thái tâm lý và tình cảm thực sự tích cực với trường lớp nói chung, thì động lực học tập cũng ít nhiều giảm đi. Nếu ở một trường có nhiều HS rơi vào trạng thái đó, đồng thời hiện tượng này lặp đi lặp lại và diễn ra ở mức phổ biến tại nhiều trường thì chắc chắn điều đó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung. Đó là chưa kể nhận thức xem nhẹ việc đảm bảo vệ sinh ở NVS trong trường học có thể tác động đến suy nghĩ, nhận thức của HS về điều này và lại tiếp tục có biểu hiện “ì” về tình trạng này ở các thế hệ sau đó.
Giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho HS
Nâng chất lượng của NVS dù ở góc độ nào cũng là một biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng không được xem nhẹ.
Các trường học cần thiết phải chú trọng đảm bảo vệ sinh và an toàn ở các NVS. Theo đó, các trường cần dành một diện tích hợp lý để xây dựng NVS trong một không gian phù hợp, tiện lợi cho HS ở các khu vực trong nhà trường, có cây xanh, có hệ thống thoát nước, đủ ánh sáng… Đồng thời, phải sử dụng các thiết bị, vật liệu (như bồn cầu, bồn rửa tay, gạch nền…) đảm bảo chất lượng, dễ cọ rửa, tránh trơn trượt. Với HS tiểu học, giáo viên và phụ huynh phải giáo dục, hướng dẫn các em biết cách vệ sinh thân thể sau khi đi vệ sinh, khuyến khích các em đi vệ sinh khi có nhu cầu mà không được “nhịn”. Giáo viên cũng đừng vì một vài HS mượn cớ đi vệ sinh để xao lãng việc nghe giảng trên lớp mà hạn chế việc này. Đặc biệt, phải giáo dục HS các kỹ năng tự bảo vệ, biết cách phòng tránh các tai nạn, nhất là với HS nữ, cần được trang bị các kiến thức và cách thức vượt qua những nguy cơ xâm hại…
Ngoài ra, các trường cũng nên tổ chức tốt hơn bộ phận trực vệ sinh để trực tiếp lau dọn, hướng dẫn HS giữ gìn vệ sinh và kịp thời giúp đỡ các em bị tai nạn hoặc có nguy cơ bị xâm hại. Phụ huynh và giáo viên cũng cần khuyến khích HS mạnh dạn nêu ý kiến khi nhận thấy có các hiện tượng chưa tốt trong nhà trường, kể cả chuyện ở NVS; đồng thời nên tìm đến nơi giúp đỡ cần thiết trong trường hợp phát hiện hay cảm thấy có sự mất an toàn. Đây cũng là cách để rèn HS tính trách nhiệm với bản thân và với môi trường chung của nhà trường, rèn tính thẳng thắn, phát huy dân chủ cho các em.
Trúc Giang (TP.HCM)
Không an toàn về mặt giới tính
Tại các NVS, vấn đề an toàn của HS cũng chưa được đảm bảo. Nguy cơ thường thấy nhất vẫn là bị trượt ngã; đồng thời với nguyên nhân từ tình trạng mất vệ sinh, mùi hôi… cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của các em. Đặc biệt, do ít được hướng dẫn, rất nhiều HS không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh, hoặc thiếu nước, thiếu xà phòng, kể cả ngại mùi hôi ở khu vực NVS, cũng ít nhiều tác động xấu đến sức khỏe và thói quen của HS.
Đáng nói hơn, hiện tượng không an toàn về mặt giới tính cũng rất đáng lo ngại, nhưng ít khi được chú ý để ngăn ngừa, hạn chế một cách đầy đủ, đúng mực. Việc HS nam cố tình nhìn ngó, xô đẩy, đụng chạm vào HS nữ trong khu vực NVS, hoặc tụ tập bên ngoài gây nên sự cản trở hay e ngại của các em nữ khi đi vệ sinh… Bên cạnh đó, nguy cơ bị xâm hại, kể cả hành vi dâm ô và hiếp dâm, ở nơi này vẫn có thể ở mức cao hơn hẳn so với các khu vực khác trong nhà trường.
 
 

Bình luận (0)