Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Chất lượng lao động… làm khó doanh nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Có khả năng thích nghi với thách thức và chủ động chuyển hướng nghề nghiệp thì nguy cơ thất nghiệp sẽ thấp trước sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là nhận định của các chuyên gia trước những hạn chế của nguồn nhân lực hiện nay.

Ông Huỳnh Thành Đạt (Giám đốc ĐHQG TP.HCM) trao giấy chứng nhận học kỳ doanh nghiệp do Công ty CP Sài Gòn Food tổ chức cho sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM

Tại buổi họp giao ban với các trường CĐ-TCCN trên địa bàn thành phố vừa qua, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) bày tỏ sự lo lắng về trình độ chuyên môn của học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). “Chúng ta đào tạo nghề mà doanh nghiệp cần nhưng lại tuyển không được, như vậy lỗi không ở khâu đào tạo thì ở khâu nào?”, ông Lâm đặt câu hỏi.

Lỗi từ đào tạo

Ông Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho rằng, chúng ta hô hào đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo, thậm chí cả chất lượng đầu vào ở lĩnh vực GDNN nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Nhưng đổi mới bằng cách nào nếu không có nền tảng? Nền tảng ấy, theo ông Hưng chính là tri thức, là chuyên môn, trình độ ngoại ngữ… của giáo viên. “Khó có thể đánh giá trình độ học sinh, sinh viên tốt nghiệp nếu thiếu đội ngũ giáo viên có chất lượng”, ông Hưng khẳng định. Trong khi đó, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Tri thức, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) lo ngại nguồn lao động tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung thiếu cả chất lượng lẫn số lượng. Đáng nói là đến thời điểm này, lực lượng lao động đào tạo để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chưa có. Cuộc cách mạng này ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi lao động ở một số nhà máy, xí nghiệp có nguy cơ thất nghiệp.

Tương tự, TS. Nguyễn Thanh Điền (thành viên Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016-2020) cũng cho rằng nguồn nhân lực tại TP.HCM chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Biểu hiện trước hết là yếu kém trong kỹ năng tương tác với thị trường như nắm bắt nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm khách hàng, liên kết với nhà cung cấp. Kế đến là yếu kém trong kỹ năng vận hành hệ thống sản xuất, nhất là trình độ quản lý (tỷ lệ các doanh nghiệp gặp khó khăn ở các ngành như sau: cơ khí chế tạo 14,12%; điện tử – CNTT 17,07%; hóa chất – cao su – nhựa 12,5%; chế biến tinh lương thực thực phẩm 12,8%…). Hạn chế trong khả năng tiếp thu, thích ứng công nghệ mới từ nước ngoài thấp (cơ khí chế tạo 12,98%; hóa chất – cao su – nhựa 16,48%; dệt may 13,3%; da giày 14,96%…). Khả năng thiết kế, nghiên cứu và chế tạo công nghệ mới yếu kém (ngành cơ khí 20,3%, điện tử – CNTT 24,39%; hóa chất – cao su – nhựa 18,75%…).

Nâng chất lượng bằng cách nào?

Những hạn chế của nguồn nhân lực là yếu tố chủ yếu dẫn đến yếu kém trong khả năng sáng tạo, lỗi hệ thống vận hành thường xuyên gây phát sinh thêm chi phí, dẫn đến giá thành cao và khó thực hiện cam kết với khách hàng. Nhiều chuyên gia đề xuất, để có một nguồn lao động có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong nước và khu vực, ngay từ bây giờ hãy cơ cấu lại các cơ sở đào tạo kém hiệu quả một cách hợp lý (sáp nhập vào các cơ sở hoạt động hiệu quả), hoặc cho phá sản để củng cố hoạt động nghề theo chiều sâu. TS. Nguyễn Thanh Tùng đánh giá cao khả năng thích nghi với thách thức, tuy nhiên yếu tố cơ bản để thích nghi trước hết người lao động phải được trang bị kỹ năng và kiến thức về các ngành nghề mang tính liên ngành, từ đó có hướng chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đào tạo dàn trải dẫn đến mất cân đối

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng chúng ta có dự báo, có định hướng, tuy nhiên việc thực hiện thì chưa đồng đều giữa các trường, do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Kết quả là đào tạo hàng loạt nhưng không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Hệ thống GDNN lớn nhưng đào tạo dàn trải dẫn đến sự mất cân đối trong tuyển sinh giữa các ngành. Cụ thể, ngành kế toán, tài chính, quản trị… đào tạo quá nhiều dẫn đến dư thừa lao động. Trong khi các ngành kỹ thuật như cơ khí tự động hóa, cơ điện tử… thị trường lao động đang cần thì lại đào tạo quá ít, nhiều trường không tuyển sinh các ngành này do không đủ chỉ tiêu. 

Phát biểu tại Ngày hội việc làm do Trường CĐ Kỹ nghệ II tổ chức mới đây, ông Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, với cơ chế thoáng, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp mở trường nghề và doanh nghiệp có thể đảm nhận đào tạo 40% chương trình thì chất lượng nguồn lao động sẽ dần nâng lên. Cả nước hiện có trên 2.000 cơ sở GDNN, thời gian tới cần đẩy mạnh tự chủ và thu gọn lại. Qua đó, ngành nghề cũng được quy hoạch lại theo hướng phát huy thế mạnh, loại bỏ các ngành tuyển sinh kém, không còn phù hợp; từ đó các trường có cơ sở để phát triển liên kết, liên thông với mục tiêu nâng cao chất lượng GDNN, cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu phát triển.

T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)