Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chất lượng lúa gạo: lỗi tại nông dân?

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa (quy gạo) vụ đông xuân 2012 – 2013 đã kết thúc, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều đã thu mua vượt kế hoạch tạm trữ. Tuy nhiên, theo ước tính từ các địa phương, hơn phân nửa sản lượng lúa hàng hoá vụ đông xuân – khoảng hơn 3 triệu tấn, nông dân phải tự trữ lại vì bị ế ẩm, trong đó chủ yếu là các loại lúa thơm, lúa chất lượng cao. Vì sao?

Lúa thơm đặc sản jasmine nay có thêm “mùi” lẫn loại. Ảnh: Ngọc Tùng

Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, ông Đoàn Ngọc Phả, cho biết: Đề án xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, các loại gạo đặc sản, gạo thơm khuyến cáo nông dân trồng các loại lúa này, nhưng đến khi thu hoạch doanh nghiệp lại không mua. Theo sở Công thương tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh còn khoảng 600.000 tấn lúa hạt dài (gồm các loại lúa thơm đặc sản, lúa thơm nhẹ) chưa được tiêu thụ, và nông dân đang đổ trách nhiệm này cho ngành nông nghiệp.

Còn TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng viện Lúa ĐBSCL, nói: “Mới đây, tại hội thảo cánh đồng mẫu lớn ở Hậu Giang, bà con nông dân nói làm lúa đúng quy trình chất lượng mà bán cũng không ai mua. Đến khi nhiều người đề nghị mời đại diện công ty lương thực – đơn vị ký hợp đồng bao tiêu, giải thích thực trạng này thì… chẳng thấy doanh nghiệp ở đâu!” Thậm chí, “Có những doanh nghiệp đã ký ghi nhớ mua lúa thơm Jasmine 85 tại địa phương nhưng cuối cùng họ cũng không thực hiện!”, ông Đoàn Ngọc Phả nói.

Phản ứng trước thực trạng trên, ông Lê Minh Trượng, giám đốc công ty cổ phần Lương thực Sông Hậu, gay gắt: “Các anh chưa phân biệt được lúa thơm và lúa chất lượng cao!” Với lúa thơm, tỷ lệ lẫn loại của lúa thơm theo tiêu chuẩn là không quá 10%, nếu tỷ lệ lẫn loại quá cao thì không thể mua để xuất bán cho khách hàng. Cũng theo lý giải của ông Trượng, việc giá lúa thơm không chênh lệch cao hơn lúa thường hiện nay là “do tỷ lệ lẫn loại cao”.

Nguyên thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng từng phân tích rằng, khi ngành nông nghiệp dốc sức khuyến khích nâng chất lượng lúa gạo để hướng tới việc hình thành thương hiệu gạo quốc gia, và nông dân đã bắt đầu quen với việc gieo trồng các loại lúa thơm thì đến lúc các doanh nghiệp cho rằng “các giống lúa thơm bắt đầu lẫn loại”!

Theo ông Lê Minh Trượng, không phải chuyển sang lúa chất lượng cao và lúa thơm là thắng ngay từ vụ đầu tiên, mà phải có quá trình huấn luyện nông dân để sản phẩm thu về có tỷ lệ lẫn lộn lúa thường trong lúa thơm không được vượt quá giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, phân tích của ông Trượng không được nhiều nông dân đồng tình. Nông dân Lê Văn Lực ở huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) cho biết: “Tui làm lúa thơm Jasmine từ nhiều năm rồi, có thương lái nào chê lúa thơm bị lẫn với lúa thường đâu, giá bán lúa khô cũng luôn cao hơn mức 7.000 đồng/kg. Trồng các giống cũ mấy ổng không khuyến khích, giờ tui quen làm lúa thơm rồi thì người này nói lúa thơm bị lẫn tạp, người khác lại nói tại nhiều người làm lúa thơm nên giá rẻ, ế ẩm… Lúc nào họ cũng cứ đổ thừa cho nông dân, nghe sao được?” Còn ông Dương Văn Bảy, nông dân ở huyện Thới Lai (Cần Thơ) thì ngậm ngùi: “Doanh nghiệp nào cũng nói cho lấy được vì họ biết chắc nông dân thì không thể không trồng lúa, còn họ thì chỉ việc lựa lúa theo bạn hàng và quyết định việc có mua của tụi tui hay không, mua theo giá nào…”

Theo Ngọc Tùng

SGTT.VN 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)