Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chất lượng phải đi đôi với học phí

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cần phải tăng học phí ở các trường MN chất lượng cao

Sáng 21-5, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục mầm non (GDMN) phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến “Xây dựng tiêu chí trường MN chất lượng cao trong xu thế hội nhập quốc tế”. Tại đây, hầu hết các ý kiến đều cho rằng chất lượng phải đi đôi với học phí…
Thiếu trường chuẩn vì… thiếu đất
Tại buổi tọa đàm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Tiến Đạt khẳng định: “Mặc dù chất lượng giáo dục ở TP.HCM rất tốt, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn nhưng lại là địa phương có số trường đạt chuẩn quốc gia khá thấp. Nguyên nhân chính là do thiếu đất xây dựng trường nên diện tích sử dụng bình quân tối thiểu 8 m2/trẻ là không thể đạt được. Mặt khác, theo quy định của Bộ GD-ĐT thì số lớp của một trường MN chuẩn quốc gia (mức độ 2) không vượt quá 15 lớp. Nhưng trên thực tế, ở TP.HCM có nhiều trường lên đến 19 lớp. Ngoài ra, TP.HCM không có chủ trương xây thêm trường ở khu vực nội thành dẫn đến hầu hết các trường MN đều quá tải, sĩ số là 40 – 50 trẻ/lớp. Chúng tôi có thể hạ sĩ số trẻ/lớp để phù hợp với điều lệ trường MN nhưng như vậy trẻ sẽ không có chỗ học. Do đó thành phố đành phải hy sinh trường chuẩn quốc gia để nhận trẻ”.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường MN 19-5 cũng thừa nhận: “Khi xem xét các tiêu chí mà Bộ GD-ĐT ban hành cho các trường chuẩn quốc gia (mức độ 2), tôi nhận thấy Trường 19-5 không thể đạt được. Bởi từ khi trường đạt chuẩn quốc gia (mức độ 1) đến nay, sĩ số trẻ/lớp ngày càng tăng. Đặc biệt là lớp lá – trên 60 trẻ/lớp. Nhiều tỉnh, thành đến tham quan, thấy cháu đông quá nên hỏi: Trường có đạt chuẩn không? Tôi không biết phải trả lời như thế nào. Chúng tôi cũng muốn ít cháu chứ, như vậy cô sẽ đỡ cực nhưng nhu cầu của phụ huynh quá lớn”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi thì có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, trường tiên tiến cấp thành phố đều quá tải, sĩ số trẻ/lớp vượt từ 1,5 đến 2 lần so với điều lệ trường MN. Sở GD-ĐT TP biết điều đó nhưng “làm ngơ”, vì nếu “siết” thì trẻ sẽ phải học ở các nhóm trẻ gia đình kém chất lượng.
Cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT thì các trường đạt chuẩn phải có phòng vi tính riêng, nhưng bà Đặng Thị Nguyệt Ánh – Phó phòng GD-ĐT Q.5 cho rằng: “Tiêu chí này rất khó thực hiện, bởi phòng học cho trẻ còn thiếu thì lấy đâu ra phòng để làm phòng vi tính. Nếu xây thêm phòng mới thì sẽ phá vỡ cấu trúc xây dựng ban đầu của trường. Nên chăng chỉ cần mỗi lớp 1 máy vi tính, như vậy vừa tiết kiệm được phòng vừa tạo điều kiện cho trẻ được sử dụng máy tính nhiều hơn”…
Cần phải quan tâm đến đời sống giáo viên
Bộ GD-ĐT đòi hỏi rất nhiều ở các trường chuẩn quốc gia nhưng không hề đả động đến đời sống của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên ở các trường MN. Chẳng hạn, Bộ yêu cầu giáo viên phải có kế hoạch chăm sóc giáo dục riêng cho trẻ suy dinh dưỡng, trẻ béo phì. Theo đó, đối với trẻ suy dinh dưỡng, giáo viên phải “ép” trẻ ăn để cuối năm hết suy dinh dưỡng. Ngược lại với trẻ béo phì thì phải giúp trẻ vận động, bắt ăn rau nhiều để giảm cân…
“Làm giáo viên ở các trường chuẩn rất cực, rất áp lực nhưng thu nhập cũng chỉ bằng giáo viên các trường thường. Do vậy, rất nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên giỏi đã xin nghỉ việc. Theo tôi cần phải đưa thêm tiêu chí đảm bảo đời sống vật chất cho giáo viên vào tiêu chuẩn trường MN đạt chuẩn quốc gia. Có như vậy các cô mới yên tâm công tác, chăm sóc tốt cho trẻ”, bà Vũ Thị Xuân Liên – Hiệu trưởng Trường MN Vàng Anh (trường chuẩn quốc gia), Q.5 kiến nghị.
Chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên bằng cách nào đây khi ngân sách nhà nước cấp cho giáo dục chỉ có giới hạn. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP.HCM thì: “Phải tăng thu của phụ huynh, phụ huynh nào muốn cho con học ở trường chất lượng cao thì phải đóng tiền cao. Và tùy từng mức độ chất lượng mà có một mức thu tương ứng. Chẳng hạn đối với những trường chất lượng 1 “sao” thì đóng học phí 1 triệu đồng/tháng, 2 “sao” thì đóng 2 triệu, 5 “sao” thì đóng 5 triệu… Lúc đó, ngân sách nhà nước sẽ không phải cấp cho những trường này nữa mà dồn cho các trường công lập ở khu vực khó khăn hơn”.
Bà Lê Thị Liên Hoan – Phó phòng GDMN Sở GD-ĐT TP.HCM cũng bức xúc: “Hiện nay mức thu giữa các trường là cào bằng, trường chất lượng cao cũng như trường thường. Từ đó đã dẫn đến tình trạng “chạy trường” vì phụ huynh nào cũng có nhu cầu gửi con vào những trường có chất lượng. Vì vậy cần phải có một mức học phí thỏa đáng giữa các trường”…
Theo bà Lê Thị Lan – Phó phòng GD-ĐT Q.1 thì: “Trường MN chất lượng cao không phục vụ đại trà mà chỉ nên dành cho những phụ huynh có tiền. Họ đóng tiền nhiều thì con của họ sẽ nhận được chất lượng chăm sóc cao. Nhiều lần đi qua Trường MN Bé Ngoan (Q.1), tôi nhận thấy có khá nhiều bé được đưa rước bằng xe hơi. Những phụ huynh này có dư tiền để đóng học phí cao, vậy tại sao lại không tăng học phí…”.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)