Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chất nhân văn trong mỗi doanh nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Là một trong những nữ doanh nhân tiêu biểu – mạnh mẽ, quyết đoán và đã có nhiều trải nghiệm trong kinh doanh – Võ Thị Thanh – Tổng Giám đốc Cty Thuận Thảo (Phú Yên) cho rằng bí quyết thành công của chị là "biết cách dùng người", đặt mỗi cộng sự của mình vào đúng vị trí. Chị luôn tâm niệm "Uy tín – đạo đức sẽ tạo ra tiền bạc".
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Thanh luôn nhấn mạnh đến sự bền vững của DN. Chị bảo – Đi lên từ một DN nhỏ nên tôi biết trân trọng từng thành quả nhỏ nhất và biết tập hợp sức người sức của cho những mục tiêu mà mình tin là đúng. Bản năng trong kinh doanh giúp tôi phán đoán chính xác…
Với người phụ nữ thành đạt này, đôi khi tôi không biết điều gì đã giúp chị thành công – sự tưởng tượng lãng mạn và tầm nhìn xa của một sinh viên văn khoa ngày nào hay chính sự chắc chắn, rành rẽ và khúc chiết của người tốt nghiệp đại học luật? Sau này trở nên thân thiết với chị – mới hiểu rõ hơn. Tính quyết đoán, nhạy bén, say mê công việc và mong muốn được cống hiến cho xã hội, cộng đồng đã khiến chị trở thành một Võ Thị Thanh của Thuận Thảo nổi tiếng. Dù có trong tay một DN lớn, một chuỗi kinh doanh độc đáo, nhưng chị lại là người cẩn trọng và để tâm đến cả những việc nhỏ trong Cty. Chị cho rằng – Phát triển nhanh phải đi đôi với sự bền vững, phải bước đi một cách chắc chắn với tầm nhìn xa và luôn biết rút kinh nghiệm để tự hoàn thiện mình. Tôi đã được tận mắt tham khảo chương trình huấn luyện đội ngũ nhân viên của chị với những chi tiết cụ thể như: Khách hàng muốn gì? Nhân viên phải làm gì? Phong cách giao tiếp ra sao?… Và hiểu điều chị nói: “Chính con người quyết định sự thành công trong kinh doanh”.
– Thưa chị, mạo hiểm và sáng tạo – đó có phải là hai tố chất cơ bản của doanh nhân? Và với chị thì sao?
Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn đúng. Sự dấn thân đến cùng đòi hỏi con người phải mạo hiểm và sáng tạo. Phải dám mạo hiểm mới đủ sức vươn lên trong cuộc sống, cạnh tranh gay gắt trên thương trường. Có một chuyên gia kinh tế đã nói: “Dám mạo hiểm mới thắng được rủi ro và biết mạo hiểm mới giành được thắng lợi. Đồng thời phải dám sáng tạo và vì dám mạo hiểm thì mới dám sáng tạo”. Doanh nhân luôn tìm con đường đi riêng cho mình – khi chưa có ai đi trên con đường ấy. Tôi cho rằng điều đó quan trọng hơn cả vốn liếng, thiết bị máy móc. Bởi sự tự ý thức về mình, ý thức về sự đổi mới, sự dấn thân, dám chịu trách nhiệm về những sáng tạo mới của mình – là những điều cơ bản tối cần thiết đối với mỗi doanh nhân. Từ bản thân mình – tôi nghiệm thấy, việc lựa chọn và quyết định khi bước vào nghiệp kinh doanh đã chứa đựng đủ hai yếu tố đó – vừa mạo hiểm vừa sáng tạo. Rất may là những điều ấy đã giúp tôi kinh doanh thành công.
– Chị được biết như là một nữ doanh nhân luôn đi tiên phong ở khu vực miền Trung. Chị nói gì về điều này?
Doanh nhân luôn tìm con đường đi riêng cho mình – khi chưa có ai đi trên con đường ấy. Tôi cho rằng điều đó quan trọng hơn cả vốn liếng, thiết bị máy móc.
Đúng là có nhiều nhận xét về tôi như thế. Khi người ta mới lo mở cửa hàng bán lẻ thì tôi đã làm siêu thị. Tôi cũng là người lập bến xe tư nhân đầu tiên ở VN. Có một đội xe khách chất lượng cao được mệnh danh là “hàng không mặt đất”. Tôi xây dựng khu du lịch sinh thái 25 ha – đem rừng về giữa thành phố và đem cả văn hoá ẩm thực của cả ba miền về đây. Cùng với khu du lịch liên hoàn đó là một khách sạn năm sao, một khu Resort cao cấp dọc bờ biển. Tôi mong muốn kéo được khách du lịch về với Phú Yên quê tôi và đã làm được điều này. Lượng khách ngày thường khoảng 3-4 ngàn người và vào những ngày Chủ nhật, ngày lễ có tới 7-8 ngàn người. Điều đáng mừng là khu du lịch của tôi là nơi đến không chỉ của bà con trong tỉnh và khu vực. Nhiều khách ở Hà Nội rẽ qua cứ tâm đắc “giá ở Hà Nội có được khu vui chơi như thế này…”.
 
– Phải chăng điều đó bắt nguồn từ sự nhạy cảm trong kinh doanh – điều mà bất cứ doanh nhân nào cũng phải có nếu muốn thành công?
Tôi cho rằng sự nhạy cảm trong cuộc sống là vô cùng quan trọng. Trong kinh doanh lại càng phải nhạy cảm hơn. Lao động của doanh nhân là loại lao động phức tạp – vừa phải có tri thức, năng lực, vừa phải có kinh nghiệm, đồng thời phải có quyết sách đúng lúc mới mang lại hiệu quả cao. Trong công việc, tôi là người quyết đoán – biết nắm bắt cơ hội và định làm gì là quyết tâm làm cho kỳ được. Trong thời điểm hiện nay với công trình khách sạn 17 tầng năm sao mà chúng tôi đang xây dựng (khoảng 20 triệu USD) thì quả là khó khăn vì lãi suất ngân hàng cao, giá nhân công, nguyên vật liệu tăng… Nhưng mặt khác đó cũng lại là cơ hội vì nhu cầu phòng ở cao cấp cho khách là có thực ở Phú Yên. Vì vậy tôi vẫn quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng để có thể khánh thành khách sạn vào dịp 30/4/2009. Và khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng đang được triển khai tích cực. Một kiến trúc sư người Pháp giúp tôi thiết kế sao cho ấn tượng nhưng phải hài hoà với thiên nhiên. Tôi hi vọng sự kinh doanh phát đạt của mình cũng sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho tỉnh và cho cả cộng đồng.
– Chị vừa nhắc đến lợi ích cộng đồng – Chúng ta luôn nhấn mạnh đến sự kết hợp hài hoà giữa lợi ích của DN, lợi ích của riêng doanh nhân trong tổng thể lợi ích của toàn xã hội và sự phát triển bền vững của nền kinh tế?
Tôi luôn luôn đặt lợi ích của mình, của DN Thuận Thảo trong lợi ích của kinh tế chung trong tỉnh. Với hơn 2.000 nhân viên và phía sau là hơn 2.000 gia đình – Thuận Thảo luôn có ý thức trong việc bảo đảm đời sống của cán bộ công nhân viên, đồng thời cố gắng phát triển kinh doanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Một nét khác biệt của chúng tôi là khu du lịch sinh thái mở cửa cho tất cả mọi người vào không thu vé (kể cả phí gửi xe). Chúng tôi chỉ bán các dịch vụ có chất lượng của mình trong những khu đó và được mọi người ưu ái khen tặng “Chất lượng hoàng gia – giá bá tánh”. Tôi nghĩ đó là phần thưởng quý giá đối với người kinh doanh. Trong sự thành công của mình, tôi luôn ý thức được sự ủng hộ của các cấp chính quyền cũng như của bà con nhân dân và vì vậy chúng tôi luôn chia sẻ lợi ích với mọi người. Cty làm nhà tặng cho người nghèo và đóng góp cho các hoạt động từ thiện khác. Khi nghe tin chợ Quy Nhơn cháy, tôi tự tay cầm tiền ra ủng hộ… Tôi làm những điều này xuất phát từ tấm lòng của chính mình. 
– Và đó cũng chính là nét nhân văn trong mỗi doanh nhân mà chúng ta cần nhân rộng?
Tôi biết rất nhiều doanh nhân tham gia làm từ thiện và làm rất nhiều. Đó là sự chia sẻ và đóng góp cho cộng đồng rất lớn. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc VCCI – một thành viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN nên tập hợp, thống kê và nên có sự ghi nhận những đóng góp này của đội ngũ DN.
– Được biết Ban Bí thư Trung ương Đảng giao cho VCCI xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân. Theo chị, để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cần có những yêu cầu gì?
Tôi rất mừng vì điều này. Chúng ta đã có ý thức trong việc tạo môi trường cho việc hình thành và phát triển tầng lớp doanh nhân. Bên cạnh đó, cũng đã tạo một môi trường cạnh tranh cho doanh nhân. Tuy nhiên, để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh và có thể vươn ra thế giới thì ngay từ bây giờ Nhà nước phải đặc biệt quan tâm đến đào tạo lớp doanh nhân trẻ có tri thức và năng động chuyên nghiệp hơn nữa. Hệ thống luật pháp của Nhà nước được xây dựng phải nhằm mục tiêu bảo vệ các hoạt động kinh doanh chân chính của doanh nhân và DN. Hệ thống tài chính, ngân hàng phải thực sự minh bạch, hỗ trợ những dự án kinh doanh của doanh nhân. Đặc biệt là chế độ thuế phải khuyến khích doanh nhân tích luỹ để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Có như vậy chúng ta mới nhân rộng và có được đội ngũ doanh nhân thực sự vững mạnh.
– Xin cảm ơn chị! 
Năm 2008 với chị Võ Thị Thanh – Tổng Giám đốc Cty Thuận Thảo bắt đầu với dấu ấn Chủ tịch nước tặng thưởng chị Huân chương Lao động hạng Ba. Dịch vụ vận tải hành khách chất lượng cao Thuận Thảo được trao tặng danh hiệu "Dịch vụ xe khách được hài lòng nhất năm 2008" do người tiêu dùng bình chọn. Lần thứ ba liên tiếp, nữ doanh nhân Võ Thị Thanh đạt danh hiệu "Nữ Doanh nhân Việt Nam xuất sắc 2007" và Cúp Bông Hồng Vàng do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN trao tặng. Được nhận Cúp vàng "Lãnh đạo DN xuất sắc" năm 2008 do UBMT Tổ quốc VN phối hợp với các đơn vị hữu quan trao tặng; Cty Thuận Thảo của chị được trao tặng Cúp Vàng "Vì sự phát triển cộng đồng" năm 2008, giải thưởng "Vì sự cống hiến cho miền Trung" năm 2008, Tháng 4/2008, được Chính phủ trao tặng Cờ thi đua xuất sắc cho những thành tích vượt bậc của Thuận Thảo trong năm 2007. Và mới đây trong Đại hội V của VCCI, chị vinh dự được bầu là Uỷ viên Ban chấp hành của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN.
Diệu Hằng (dddn)
 

 

Bình luận (0)