Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chật vật chuẩn đầu ra tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Để đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh B1 theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhiều trường ĐH phải 'vật lộn' với việc đào tạo do chuẩn đầu vào sinh viên quá thấp.

Đầu vào dưới chuẩn
Ngay sau khi nhập học, các trường ĐH tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào để xếp các lớp phù hợp với trình độ sinh viên (SV). Nhiều SV không đủ điểm để theo học ngay cả lớp thấp nhất, trình độ sơ cấp A2.1 (khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho VN).
Kết quả khảo sát vừa thực hiện của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có tới trên 2.200 SV (chiếm 48% tổng số SV) có mức điểm thi dưới 300 TOEIC (khoảng trình độ A1 trong khung tham chiếu châu Âu). Các SV này không đủ điểm học lớp tiếng Anh đầu tiên trong chương trình chính khóa theo quy định nhà trường. Có gần 80% SV của trường ở khoảng điểm từ 260 – 360.

Giờ học tiếng Anh ở một trường ĐH tại TP.HCM  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giờ học tiếng Anh ở một trường ĐH tại TP.HCM Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Kết quả đợt kiểm tra tiếng Anh đầu vào SV khóa mới Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) công bố tháng 9 vừa qua cho thấy có 60% số SV đủ điểm đăng ký xếp lớp trình độ thấp nhất. Tương tự, trong số hơn 2.700 SV khóa mới Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, có 861 SV từ 70 – 245 điểm TOEIC. Theo quy định của trường này, SV có tổng điểm kiểm tra TOEIC dưới 250 không được xếp lớp học tiếng Anh chính khóa (có tính điểm). Như vậy SV phải tự học thêm để đủ trình độ theo quy định mới được bắt đầu học tiếng Anh chính khóa ở trường.
Nâng số tín chỉ, mở lớp miễn phí…
Bộ GD-ĐT không quy định chặt chẽ số tín chỉ tiếng Anh trong chương trình đào tạo chính khóa. Các trường sẽ tùy theo chuẩn đầu vào và đầu ra tiếng Anh của SV để bố trí số lượng tín chỉ phù hợp, thông thường sẽ dao động ở mức trên dưới 10 tín chỉ.
Chính vì thế các trường ĐH áp dụng nhiều cách làm khác nhau để khắc phục tình trạng đầu vào tiếng Anh thấp của SV. Tiến sĩ Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường tương đương trình độ B1. “Trường chỉ có 10 tín chỉ dành cho môn học này, nếu đào tạo từ đầu sẽ không kịp chương trình nên bắt buộc trường phải xếp lớp thấp nhất tương đương bậc 2. Những SV chưa đủ trình độ này có 2 lựa chọn: học bên ngoài hoặc tại trường học phần này chỉ đủ trình độ cho đến khi đủ điểm xếp lớp”.
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chuẩn này đặt ra theo trình độ của số đông SV đạt được và phù hợp để SV tích lũy đủ B1 khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trình độ ngoại ngữ của SV có nhiều khác biệt nên nếu bắt buộc tất cả cùng học từ lớp này có thể dẫn đến quá tải và bỏ học, vì vậy trường bắt buộc phải mở lớp ở trình độ thấp hơn.
SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM chưa đủ điểm vào học lớp AV1 trong chương trình chuẩn thì phải tham gia lớp tiếng Anh bổ túc do trường thực hiện. Sau khóa đầu tiên, nếu chưa đủ điểm SV phải đăng ký tiếp khóa thứ 2. Nếu sau 2 khóa bổ túc đóng tiền, SV vẫn không thi đỗ xếp lớp, trường sẽ dạy lại miễn phí đến khi SV đủ điểm xếp lớp.
Ông Đào Đức Tuyên, Giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho hay đa số SV chỉ mới đạt trình độ A1 ở thời điểm nhập học. Từ năm học này, trường bắt đầu nâng tổng số tín chỉ môn tiếng Anh lên gấp đôi (từ 7 lên 14 tín chỉ). Một trường CĐ tại TP.HCM cũng phải tăng từ 12 lên 16 tín chỉ trong toàn bộ chương trình học cho môn tiếng Anh.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết SV không đạt chuẩn sẽ không cho đăng ký nhiều môn để tập trung học kỳ đầu cho việc học tiếng Anh. SV dưới 300 điểm TOEIC phải tự ôn tập hoặc học thêm các lớp tiếng Anh tăng cường để phân loại tiếng Anh đầu vào ở đợt tiếp theo. Cũng theo ông Dũng, trong năm học này trường dự kiến sẽ mở những lớp học bổ túc tiếng Anh vào buổi tối. Trường còn đầu tư kinh phí mua tài khoản học tiếng Anh trên mạng để cấp miễn phí cho SV.

Hà Ánh (TNO)

 

Bình luận (0)