Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chật vật với… tiếng Nhật

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, sách, tài liệu về tiếng Nhật cũng chưa thực sự phong phú cho lựa chọn của sinh viên

Ngại học tiếng Anh, nhiều sinh viên đổ xô học tiếng Nhật. Thế nhưng, không theo nổi chương trình, họ lại quay về học… tiếng Anh!
Hiện nhu cầu việc làm là khá lớn nhưng tiếng Nhật vẫn chưa thực sự “chinh phục” được sinh viên Việt Nam bởi một số khó khăn nhất định.
Sinh viên “chào thua”
Hiện nay, tiếng Nhật ngày càng phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, nhu cầu và quy mô người học đối với ngành Nhật ngữ đang gia tăng. Chỉ tính riêng khu vực phía Nam, đã có 11 trường ĐH và gần 70 trường, trung tâm Nhật ngữ chuyên đào tạo tiếng Nhật. Riêng tại TP.HCM có hơn 20 ngàn người theo học tiếng Nhật. Trong các kỳ thi năng lực tiếng Nhật hàng năm do Quỹ giao lưu quốc tế tổ chức, TP.HCM có hơn 13 ngàn người đăng ký dự thi.
Cùng với chính sách phát triển ngôn ngữ, việc hợp tác giáo dục – kinh tế giữa Nhật và Việt Nam sẽ tạo nên nhu cầu rất lớn về nhân lực tiếng Nhật trong thời gian tới. Đây là tín hiệu khả quan, thế nhưng thời gian qua, việc đào tạo tiếng Nhật tại các trường ĐH ở Việt Nam chưa được như mong đợi.
Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM chọn tiếng Nhật là một trong hai ngôn ngữ giảng dạy cho sinh viên. Mặc dù hào hứng đăng ký theo học nhưng đa số sinh viên chỉ “trụ” được hết năm thứ  nhất. Đến năm thứ hai, các sinh viên không theo kịp chương trình và xin chuyển sang học tiếng Anh. Trong khi đó, theo ThS. Nguyễn Thị Như Ý (Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM), hầu hết sinh viên chọn học tiếng Nhật đều đã bị mất căn bản tiếng Anh trước đó.
ThS. Nguyễn Thị Như  Ý lý giải thêm, tiếng Anh đã được sinh viên tiếp cận từ phổ thông, tiếng Nhật vừa “đến sau” lại còn có chữ cái khá phức tạp, khiến người học dễ nản. Nếu thiếu đầu tư nghiêm túc, sinh viên dễ bị mất căn bản. Ngoài ra, lượng sách tham khảo dành cho tiếng Nhật cũng chưa thực sự phong phú khiến người học khó khăn.
ThS. Nguyễn Thị Như Thường (Trường ĐH Lạc Hồng) cũng nhìn nhận sinh viên do… sợ nên ít chú trọng kỹ năng “nghe”. Nhiều sinh viên viết rất tốt nhưng lại né tránh khâu “nghe”. Khảo sát riêng tại Trường ĐH Lạc Hồng cho thấy, khoảng 85% sinh viên xem kỹ năng “nghe” là khó.
Trong khi đó, ThS. Lê Thị Kim Oanh (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) dẫn chứng, số môn học về chuyên ngành trong chương trình đào tạo tiếng Nhật vẫn chưa chuyên sâu khiến vốn từ chuyên ngành của sinh viên hạn chế, chưa kể nhiều kỹ năng mềm cần thiết khác mà chính các em chưa đáp ứng tốt.
Rút ngắn khoảng cách
Để việc học tiếng Nhật không còn là… nỗi ám ảnh, ThS. Nguyễn Thị Như  Ý cho rằng, giảng viên phải kịp thời giúp các em tháo gỡ khó khăn. Nhiều người quan niệm sai lầm rằng dạy sinh viên năm thứ nhất không cần nhiều kinh nghiệm. Thực tế, năm đầu tiên rất quan trọng vì nó quyết định việc sinh viên có tiếp tục gắn bó với môn học hay không. Vì vậy, nhà trường cần bố trí chương trình học chậm hơn bình thường để sinh viên không bị đuối.
ThS. Hồ Thị Lệ Thủy (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) nhận định, giảng dạy ngoại ngữ không đơn thuần chỉ chú trọng vào ngôn ngữ của một quốc gia mà thông qua đó còn cung cấp kiến thức kinh tế, văn hóa xã hội, chính trị… cho người học. Điều này đòi hỏi giảng viên không chỉ có kiến thức ngoại ngữ mà còn hiểu biết nhiều lĩnh vực để tạo sức hút cho bài giảng. “Ở bậc ĐH, việc dạy tiếng Nhật chủ yếu cho các đối tượng có trình độ học vấn tương đối cao. Giảng viên ngoài việc có kiến thức nhất định về tiếng Nhật cần am tường nhiều mảng khác” – ThS. Hồ Thị Lệ Thủy nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc quản lý hiệu quả nguồn tài liệu phục vụ đào tạo tiếng Nhật cũng là cách nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế hiện nay khâu quản lý này chưa được thực hiện chuyên nghiệp ở các trường ĐH. Cụ thể, thiếu chuyên viên chuyên trách, tài liệu chưa được số hóa (chưa có phần mềm chuyên dụng), chưa quy định rõ hình thức mượn, trả, chưa công bố rộng trên internet… “Trong tình hình ngân sách cho giáo dục không đủ lớn để trang bị tối đa nguồn tài liệu cho các trường ĐH thì việc dùng chung, chia sẻ tài liệu bằng cách số hóa thông tin nên được khuyến khích” – ThS. Hồ Thị Lệ Thủy đặt vấn đề.
ThS. Nguyễn Thị Như Thường (Trường ĐH Lạc Hồng) khuyến khích sinh viên đến các trường ĐH có đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài (chủ yếu người Nhật) để giao lưu, trao đổi kiến thức. Đồng thời, để tăng cường khả năng Nhật ngữ, sinh viên có thể tham gia các lớp dạy tiếng Việt cho người Nhật; chủ động tìm kiếm cơ hội giao tiếp với người bản xứ khi làm thêm tại khách sạn, nhà hàng…
Bài, ảnh: Mê Tâm
ThS. Nguyễn Thị Như Ý (Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM) đánh giá, phần lớn sinh viên học tiếng Nhật vì say mê văn hóa đất nước này. Để niềm yêu thích này trở thành động lực học tốt tiếng Nhật, cần xen kẽ vào buổi học chính những giờ giới thiệu ngắn về văn hóa Nhật… Cũng qua khảo sát, sinh viên chọn học tiếng Nhật vì yêu văn hóa và thích du học Nhật, mong được làm việc với người Nhật, muốn giỏi ngoại ngữ để có thêm cơ hội việc làm khi ra trường…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)