Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chất xám chảy ngược về nguồn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trần Tấn Phát (bìa trái) và những người bạn du học sinh trở về Việt Nam làm việc

Thời gian trước, Chính phủ Việt Nam luôn đau đầu để tìm các biện pháp ngăn “dòng chảy chất xám” thất thoát sang các nước có nền kinh tế phát triển. Thế nhưng trong một vài năm trở lại đây, chất xám đang có chiều hướng chảy ngược về nguồn. Những thế hệ trí thức trẻ 7X, 8X, 9X luôn đau đáu khát vọng được vươn ra biển lớn, được học hỏi cái hay cái mới từ bên ngoài. Và khác với các thế hệ lưu học sinh đi trước, họ đã chọn con đường trở về ngay từ những phút giây đầu tiên đặt chân lên đất khách.
Ra đi mang về
Đã qua rồi cái thời các trí thức đang ở nước ngoài khi chọn con đường trở về được xem như sự hy sinh những quyền lợi cá nhân để cống hiến sức mình xây dựng tổ quốc. Ngày nay, quay về không chỉ làm giàu cho đất nước mà còn làm giàu cho chính bản thân họ.
ThS. Phạm Trường Sơn, tốt nghiệp MBA Trường Finance bang Missouri – Hoa Kỳ, thu nhập một năm tại công ty tư vấn bảo hiểm ở Mỹ sau khi trừ thuế là 30.000 USD. Nhưng trước những thông tin nóng hổi về sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc ở Việt Nam được cập nhật hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thôi thúc anh từ bỏ tất cả để quay về Việt Nam, anh nói: “Cơ hội ở Việt Nam là rất nhiều, không chỉ có thu nhập mà còn tạo ra vị trí xã hội và sức tác động của mình vào một tổ chức nhiều hơn khi ở nước ngoài, làm ở nước ngoài chỉ là người làm thuê đơn thuần”. Ở tuổi ngoài 30 với chức danh Phó phòng đầu tư Công ty Chứng khoán Sài Gòn, Sơn thổ lộ: “Ở Mỹ, tôi không bao giờ dám mơ đến việc chạm tay đến 1 triệu đô nhưng ở Việt Nam tôi đã có những cơ hội để biến điều đó trở thành hiện thực”.
Cũng với suy nghĩ tương tự, nghiên cứu sinh Trần Tấn Phát – trải qua 7 năm vừa học vừa làm tại Trường ĐH Shivoka – Nhật Bản, sau khi lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành luật thương mại quốc tế cũng quyết định trở về Việt Nam làm giàu. Hiện đang giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Nhật Tinh Việt. Khi trở về Việt Nam Tấn Phát cũng không ngờ: “Đất nước mình phát triển nhanh đến như vậy, sáng thức dậy là thấy cơ hội làm ăn ngay trước mắt”.
Nếu như trước kia, cứ 10 người đi du học thì đã có đến 9 người có tư tưởng ở lại, bây giờ thì ngược lại, cứ 10 người đi có đến 9 người mang ý định trở về. Đã đến lúc họ nhận ra rằng: việc tìm mọi cách ở lại nước ngoài làm việc “mất nhiều hơn là được”. Cho dù nhận được mức lương cao ngất ngưởng, có cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc lý tưởng… nhưng người Việt xa xứ sẽ vẫn mãi là người làm thuê trên đất khách, dẫu rằng là người làm thuê số 1 đi chăng nữa. Trừ những người chọn học những ngành nghề chưa phát triển tại Việt Nam, hầu hết lưu học sinh đều vạch cho mình con đường trở về. Nghiên cứu sinh Lê Anh Tuấn – lấy bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Wharton Business – đây là một trong mười trường ĐH đào tạo kinh doanh danh tiếng nhất Hoa Kỳ – nếu ở lại, anh được hứa hẹn những công việc có vị trí khá cao cùng với mức lương hậu hĩnh. Nhưng anh cùng vợ của mình – cũng vừa hoàn thành xong tiến sĩ hóa học cùng nhau trở về Việt Nam. Hiện có rất nhiều lời mời chào từ các công ty trong và ngoài nước đang chờ đón họ.
Ngoài việc tìm kiếm các cơ hội làm ăn, phấn đấu để đạt được một vị trí xã hội nhất định ngay tại đất nước mình cũng là điều các du học sinh quan tâm khi trở về. Nhiều người quan niệm rằng: Khi trở về, sẽ có sự hoán đổi vị trí, từ người “làm thuê” ở xứ người trở thành “đối tác” với người nước ngoài ngay tại đất nước mình. Anh Phạm Trường Sơn nhớ mãi kỷ niệm: “Có dịp bắt tay thăm hỏi với Tổng thống Hoa Kỳ và có những cơ hội trao đổi bình đẳng bổ ích với các giáo sư đến từ ĐH danh tiếng nhất Hoa Kỳ – Harvard. Đó là điều ngay cả người dân Mỹ có nằm mơ cũng không có được”.
Một rào cản rất lớn ngăn bước lưu học sinh trở về từ trước đến nay đó là môi trường làm việc không thuận lợi. Nhưng trước tiến trình đổi mới của đất nước, nhiều doanh nghiệp trong nước nhận thức được rằng nếu không đổi mới, họ sẽ không tồn tại được trong môi trường cạnh tranh thu hút chất xám đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Hiện tại, nhiều lưu học sinh khá hài lòng với môi trường làm việc trong nước ngày càng có những cải thiện đáng kể, thậm chí có nơi còn tốt hơn các công ty nước ngoài.
Không muốn đánh mất cơ hội vàng
Có rất nhiều du học sinh khi được hỏi lý do quay về đều khẳng định chắc nịch: “Trong khi người nước ngoài đến Việt Nam để làm giàu thì không lý do gì mình ở lại tìm kiếm cơ hội tại đất nước của họ vốn ngày càng ít đi do nền kinh tế của họ đã phát triển quá bền vững và ổn định”. Người viết đã bắt được một tín hiệu khá lạc quan, khi làm một thống kê nhỏ với các du học sinh chuẩn bị lên đường sang các nước đều có chung một suy nghĩ là “sẽ trở về”. Nguyễn Cao Huynh bộc bạch: “Muốn đi học nước ngoài muốn được học những điều không tìm thấy tại Việt Nam. Và việc quay trở về là tất nhiên vì Việt Nam là mảnh đất còn rất nhiều tiềm năng phát triển và đang cần nhiều ở thế hệ trẻ chúng tôi”.
Không phải ngẫu nhiên mà Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) của Hoa Kỳ đã chọn chủ đề hoạt động năm nay là “Đường về tổ quốc” dành cho các nghiên cứu sinh đang học tập tại nước ngoài. Những nhà lãnh đạo của tổ chức giáo dục này nhận thức được rằng: Thế giới đang nhìn vào Việt Nam như một đất nước có nền kinh tế phát triển thần kỳ, không quay về đồng nghĩa với việc sẽ đánh mất những cơ hội vàng. Giáo sư Võ Văn Tới – Giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam của Hoa Kỳ cho biết: “Hiện VEF đang có rất nhiều chương trình nhằm khuyến khích các du học sinh sau khi kết thúc khóa học trở về làm việc tại Việt Nam. Chẳng hạn như: tổ chức các hội nghị dành cho những cựu du học sinh, các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Đây sẽ là những buổi trao đổi kinh nghiệm của những người khi trở về Việt Nam làm việc, thông tin về những chính sách, chế độ đãi ngộ… Đồng thời VEF cũng đang liên kết với Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam trong những chương trình nghiên cứu để khuyến khích sinh viên trở về Việt Nam làm việc đồng thời kêu gọi chính những giáo sư, đồng nghiệp của họ quay trở về hợp tác với Việt Nam; đồng thời VEF cũng có những học bổng đặc biệt, những người nhận học bổng này phải thực hiện cam kết quay về Việt Nam làm việc…”.
Không chỉ tổ chức nước ngoài, hiện Chính phủ Việt Nam cũng đang rộng vòng tay chào đón người viễn xứ trở về xây dựng đất nước không bằng những lời hứa hẹn suông mà bằng những chính sách khuyến khích hết sức cụ thể. Chính điều này đang biến Việt Nam trở nên có sức cuốn hút mạnh mẽ lôi kéo chất xám chảy về nguồn.
Bài, ảnh: Thanh Thủy

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)