ChatGPT đang tạo nên “cơn sốt” trong dư luận với khả năng trả lời mọi câu hỏi không giới hạn chủng loại bằng đa ngôn ngữ. Tuy nhiên, cũng đã bắt đầu có những cảnh báo về tác động mạnh mẽ cả tích cực lẫn tiêu cực đến giáo dục của công cụ này.
GS.TSKH Hoàng Kiếm (nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Công nghệ thông tin; Chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu ứng dụng và giảng dạy về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam)
Một số nơi trên thế giới đã tạm cấm học sinh và giáo viên sử dụng ChatGPT; trong khi nhìn ở hướng tích cực, công cụ này cũng tạo cơ hội để thiết kế lại hình thức học tập hiện nay, định hình các lớp học tương lai. GS.TSKH Hoàng Kiếm (nguyên Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Công nghệ thông tin; Chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu ứng dụng và giảng dạy về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam) đã có những chia sẻ với Giáo dục TP.HCM xoay quanh vấn đề này.
“Siêu bách khoa toàn thư”
+ Xin giáo sư cho biết điều gì đã khiến ChatGPT nhanh chóng trở nên thu hút sự quan tâm đến vậy?
GS.TSKH Hoàng Kiếm: ChatGPT là một công cụ tương tác thông minh với con người do Samuel Altman (cựu sinh viên ĐH Stanford) cùng Open AI phát triển, ra mắt vào ngày 30-11-2022.
Cho đến nay, có hàng chục triệu người đã được trải nghiệm miễn phí công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) tuyệt vời này với rất nhiều lời khen ngợi, ngạc nhiên, bàng hoàng và cả hoang mang, lo lắng trước những siêu trí năng mà Chatbot này thể hiện. Trước lễ Giáng sinh năm 2022, Giám đốc Google đã phát “báo động đỏ” cho toàn công ty trước sự bùng nổ của ChatGPT trên toàn cầu. Làn sóng công nghệ này đã tràn vào Việt Nam đúng dịp xuân mới.
Trong những ngày Tết, nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đã hào hứng chia sẻ những cảm xúc ban đầu với ChatGPT khi được trực tiếp trải nghiệm. Trong đó, nhiều bạn trẻ xem ChatGPT như “cuốn siêu bách khoa toàn thư” có thể trả lời mọi câu hỏi không giới hạn chủng loại với đa ngôn ngữ; từ những kiến thức chuyên sâu (giải thích các định luật, định lý, học thuyết từ cổ chí kim…) đến các câu hỏi có tính triết lý (hạnh phúc là gì?) hoặc liên hệ với cuộc sống (tôi nên chuẩn bị gì khi đi du lịch?)…
ChatGPT hiện đang rất thu hút giới trẻ
Ngoài ra, công cụ này còn khả năng phục vụ viết bài luận (tổng quan, tóm tắt, diễn văn, giới thiệu, tiếp thị…); tư vấn đầu tư tài chính, luyện tập thể thao, dinh dưỡng, chọn nghề; làm bài tập, bài thi; viết chương trình, gỡ rối chương trình (đã có nhiều lập trình viên thử tài ChatGPT với nhiều ví dụ rất ấn tượng); sáng tác nhạc, làm thơ, viết báo… Nhiều ví dụ minh họa cho thấy khả năng này còn hạn chế, nhưng những sáng tác cũng có những ý thơ, nhạc độc đáo mà từ đó có thể phát triển hay hơn.
+ Tuy rất thu hút hiện nay nhưng với “phiên bản sơ sinh”, mới trình làng, theo ông ChatGPT còn có những hạn chế nào?
ChatGPT được xây dựng trên nền tảng Open AI với cơ chế học sâu liên tục được cập nhật các nguồn dữ liệu khổng lồ từ những trang web; các tương tác hỏi đáp được xếp hạng, đánh giá liên tục (phiên bản GPT3.5 hiện tại bao gồm 300 tỷ từ đã được thu nhận, xử lý theo mô hình ngôn ngữ lớn cho đến cuối năm 2021).
Có thể thấy những hạn chế hiện tại như: Chất lượng câu trả lời còn phụ thuộc nguồn dữ liệu đã được học (đặc biệt các câu hỏi liên quan đến những sự kiện, nhân vật ở Việt Nam chưa được trả lời thỏa đáng); chưa cung cấp các nguồn tham chiếu của câu trả lời; chưa đáp ứng được tốt các câu hỏi yêu cầu chính xác và liên quan đến tương lai; mức độ cảm xúc, sáng tạo còn hạn chế… Những điều này sẽ được khắc phục và nâng cao trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia dự báo khoảng 2 năm nữa, công cụ này sẽ thay thế công cụ tìm kiếm của Google và là trợ lý thông tin, sáng tạo cho mỗi chúng ta.
Với những gì đã thể hiện ở phiên bản “sơ sinh” này, ChatGPT cho thấy khả năng thay thế con người trong nhiều công việc như: Giới thiệu sản phẩm, đại diện dịch vụ khách hàng; phân tích, tổng hợp thông tin thị trường, tài chính; biên dịch, viết báo tóm tắt tin tức; tư vấn pháp lý, đầu tư, y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo.
ChatGPT đem đến những thay đổi gì cho giáo dục?
+ Được biết, một số trường học trên thế giới đã kiểm soát học sinh và giáo viên sử dụng ChatGPT. Vậy, đối với giáo dục, ChatGPT có những tác động tích cực, tiêu cực hoặc thay đổi cách dạy và học như thế nào, thưa giáo sư?
Một số nhà giáo dục cảnh báo về khả năng ChatGPT và các công cụ tương tự (Google, Baidu… đang có kế hoạch đưa ra các Chatbot cạnh tranh với trí năng siêu cao trong thời gian tới) sẽ tác động rất mạnh mẽ đến giáo dục theo cả 2 hướng tích cực lẫn tiêu cực.
“Với những gì đã thể hiện ở phiên bản “sơ sinh” này, ChatGPT cho thấy khả năng thay thế con người trong nhiều công việc như: Giới thiệu sản phẩm, đại diện dịch vụ khách hàng; phân tích, tổng hợp thông tin thị trường, tài chính; biên dịch, viết báo tóm tắt tin tức; tư vấn pháp lý, đầu tư, y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”, GS.TSKH Hoàng Kiếm. |
GS. Ethan Mollick (ĐH Pennsylvania – Mỹ) mới đây nêu cảnh báo: “ChatGPT và AI đã làm “hỏng” việc cho bài tập về nhà”. Nhiều học sinh và sinh viên đã “nhờ” ChatGPT làm bài tập hoặc bài luận nộp giáo viên. Một số trường ở Mỹ đã cảnh báo về việc này, trong đó, các trường công lập ở New York vừa ban hành lệnh tạm cấm học sinh và giáo viên sử dụng ChatGPT; đồng thời yêu cầu giáo viên tăng cường kiểm tra các bài làm ở nhà, bổ sung việc đánh giá, thi cử trực tiếp. Tám ĐH hàng đầu ở Úc đang tái thiết kế những công cụ đánh giá kết quả học tập trong tình hình mới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng ChatGPT đã tạo cơ hội để thiết kế lại hình thức học tập hiện nay, có thể định hình các lớp học tương lai. Một số giáo viên đã sử dụng ChatGPT làm “trợ lý” cho mình, giúp soạn giáo trình, bài giảng, bài tập và phiếu đánh giá học viên; cho phép và hướng dẫn học viên học, làm bài với ChatGPT có bổ sung phỏng vấn, thuyết trình, tự đánh giá nhận xét…
Có nhiều khả năng công cụ mới này sẽ phát triển theo cấp số nhân mà chúng ta chưa hình dung được hết (hàng triệu tương tác và hàng tỷ dữ liệu đang được học lẫn cập nhật mỗi ngày). Chắc chắn tốc độ, chất lượng của việc dạy – học sẽ được gia tăng rất nhiều với ChatGPT và các công cụ AI tương tự trong thời gian tới.
+ Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
Mê Tâm (thực hiện)
Bình luận (0)