Hội nhậpThế giới 24h

Châu Á: Áp lực lạm phát giảm

Tạp Chí Giáo Dục

Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia vừa công bố báo cáo cho thấy tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng đã chậm lại đáng kể, làm dấy lên những dự báo lạc quan rằng lạm phát ở châu Á đã đi qua đỉnh điểm và bắt đầu giảm nhờ những chính sách tiền tệ thận trọng và chặt chẽ của các quốc gia trong vùng.

Ông Tim Condon – trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Ngân hàng ING, nhận xét: “Chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ đã kết thúc ở phần lớn các nước châu Á. Sự thay đổi này diễn ra nhờ giá dầu mỏ giảm trong thời gian gần đây. Nhưng nếu giá dầu tăng trở lại chúng ta sẽ thấy áp lực lạm phát gia tăng”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không nên lạc quan quá sớm vì lạm phát vẫn tăng ở nhiều nước khác trong vùng. Tuần trước, Nhật Bản công bố mức lạm phát “ròng” (không tính giá lương thực và năng lượng) đang ở mức cao nhất trong vòng một thập niên, với tỷ lệ lạm phát tháng 7 là 3,3% so với tháng 7-2007. Ở Việt Nam, mức lạm phát tháng 8 là 28,3%, cao hơn mức 27% hồi tháng 7.

Giá lương thực thực phẩm tăng chậm cùng với đà giảm giá nhiều mặt hàng tiêu dùng là yếu tố nổi bật trong báo cáo kinh tế của các nước châu Á công bố hồi đầu tuần. Theo ông Robert Prior-Wandesforde, nhà kinh tế trưởng về châu Á của Ngân hàng HSBC, ở châu Á lương thực chiếm 60% trong rổ hàng hóa làm cơ sở tính toán lạm phát trong khi năng lượng chỉ chiếm 15%; vì thế tỷ lệ lạm phát ở châu Á nếu giảm cũng chỉ diễn ra ở một mức độ rất hạn chế vì giá hàng hóa liên quan tới lương thực vẫn đang dao động ở mức cao, lương bổng tăng, tỷ giá hối đoái của các đồng tiền khu vực so với đô la Mỹ ngày càng yếu và các chính phủ không muốn siết chặt chính sách tiền tệ nhiều hơn nữa.

“Giá dầu tuy giảm nhưng vẫn đắt hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ tiếp tục đè nặng lên cán cân thanh toán ngoại thương lẫn tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các nước châu Á”, ông Frederic Neumann của Ngân hàng HSBC nhận định. Còn theo ông Robert Prior-Wandesforde, “Để đưa tỷ lệ lạm phát xuống mức mà chúng ta thấy vài năm trước, cần phải có thêm nhiều chính sách tiền tệ quyết liệt hơn là những chính sách đang được thực hiện”.

Theo Financial Times (dddn)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)