Hội nhậpThế giới 24h

Châu Á đối mặt với khủng hoảng lương hưu

Tạp Chí Giáo Dục

Những thách thức từ tình trạng dân số già tiếp tục gây khó khăn cho sự phát triển của châu Á.

Trong nghiên cứu công bố ngày 11-7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo: châu lục này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương hưu ở những người cao tuổi do hệ thống lương hưu hiện tại không đồng bộ và nguồn hỗ trợ từ phía gia đình bị thu hẹp. AFP trích lời ông Park Dong Hyun, chuyên gia kinh tế cấp cao của ADB, khẳng định: “Một châu lục trẻ trung với nguồn lực lao động đầy sức trẻ đang nhường chỗ cho một châu lục già nua, nơi tỉ lệ người về hưu so với người lao động đang tăng lên”.

 

Một người cao tuổi ở Thái Lan. ADB cảnh báo châu Á đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương hưu ở người cao tuổi – Ảnh: AFP

Theo nghiên cứu này, đến năm 2050 tuổi về hưu trung bình của Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam sẽ “cao hơn tuổi trung bình của thế giới”. “Trái với các nước công nghiệp, hầu hết các quốc gia châu Á chưa có một hệ thống lương hưu hiệu quả. Hậu quả là các nước này không chuẩn bị tốt để đảm bảo sự an toàn kinh tế cho một số lượng lớn người về hưu đang xuất hiện ngày càng nhiều” – ông Park nhấn mạnh.

Những điểm yếu trong hệ thống lương hưu ở khu vực này bao gồm phạm vi chi trả nhỏ hẹp, các lợi ích không tương xứng, thiếu sự ổn định về mặt tài chính và thiếu hỗ trợ cho người nghèo cao tuổi. Trong khi đó, nguồn hỗ trợ từ phía gia đình ngày càng suy yếu. Người châu Á có truyền thống dựa vào con cháu khi đến tuổi già. Nghiên cứu chỉ ra tình trạng đô thị hóa và vai trò nông nghiệp trong nền kinh tế bị suy giảm “đang tạo ra một lỗ hổng trong nguồn hỗ trợ tuổi già ở châu Á, và khoảng trống này chỉ có thể được lấp đầy bằng hệ thống lương hưu chính thức”.

Ông Park cho biết hệ thống lương hưu ở tám nước châu Á kể trên chỉ đảm bảo chi trả cho khoảng 13,2-58%  lực lượng lao động, trong khi ở các nước phát triển tỉ lệ này là khoảng 90%.

THANH TRÚC (TTO)

Bình luận (0)