“Thắt chặt chính sách tiền tệ cần được triển khai ở hầu hết các quốc gia, với tốc độ thắt chặt phụ thuộc vào diễn biến lạm phát trong nước và áp lực bên ngoài”, bà Anne-Marie Gulde-Wolf, quyền giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF phát biểu tại cuộc họp báo.
Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới được công bố từ tuần trước, dự báo tăng trưởng của châu Á bị hạ xuống 4,9% do tác động của đà tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, từ đó tác động lan sang các nền kinh tế có quan hệ gần gũi.
Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên 3,2% trong năm nay, cao hơn 1 điểm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1, bà Gulde-Wolf cho biết.
“Dù dự báo thấp hơn, châu Á vẫn là khu vực năng động nhất thế giới và là một động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu”, bà nói.
Cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine và hàng loạt lệnh trừng phạt mà phương Tây áp với Nga đang đẩy giá nhiên liệu và thực phẩm tăng chóng mặt, trong khi các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Điều này sẽ gây áp lực lên những nước có mức nợ cao.
“Đây là thời điểm khó khăn với các nhà làm chính sách vì họ phải vừa giải quyết áp lực tăng trưởng vừa chống lạm phát cao”, vị quan chức của IMF cho biết.
Từng quốc gia trong khu vực có triển vọng khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu và sự liên quan đến kinh tế Trung Quốc.
IMF cho rằng các chính phủ cần có biện pháp mạnh mẽ, bắt đầu từ việc hỗ trợ cho các gia đình nghèo khi giá lương thực tăng cao.
Bình luận (0)