Trong một thế giới đầy những tin tức xấu về tài chính, Châu Á vẫn là một khu vực đáng để tới đầu tư, làm ăn và có triển vọng nhất theo đánh giá của hầu hết các nghiên cứu dự báo về kinh tế thế giới năm 2009.
Khi nhiều ngân hàng công bố dự báo về triển vọng kinh tế năm 2009, một điều khẳng định có thể mang lại niềm an ủi cho người dân Châu Á là châu lục này luôn được thế giới đến làm ăn cho dù có xảy ra bão tài chính cỡ nào.
Credit Suisse, trong báo cáo chiến lược toàn cầu đã nâng mức khuyến cáo về các thị trường mới nổi từ mức điểm chuẩn lên mức nặng ký, toàn bộ Châu Á (trừ Nhật Bản) đều được coi là có các nền tảng tốt để duy trì tốc độ phát triển kinh tế. Bản báo cáo cho rằng khu vực Châu Á đạt điểm cao về chính sách linh hoạt trong điều hành kinh tế với tổng thặng dư ngân sách trung bình là 3% GDP (tổng thu nhập quốc nội), thâm hụt ngân sách chỉ ở mức 1% và tỷ lệ nợ của chính phủ trên GDP ở mức 31%. Châu Á (trừ Nhật Bản) cũng có những sự cân bằng tốt về kinh tế so với phần còn lại của thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng và sẽ duy trì có lãi dù giá hàng hóa tiêu dùng suy giảm lớn. Ngân hàng Thụy Sĩ này cũng nêu bật việc Châu Á (trừ Nhật Bản) đang có mức giảm giá hàng hóa 20% so với các quốc gia phát triển. Và khi những chỉ số kinh tế toàn cầu bắt đầu tăng trở lại và sẽ thể hiện rõ trong quý I/2009 thì Châu Á sẽ có những kết quả tích cực sớm hơn thế giới đến hai tháng.
Trong báo cáo toàn cảnh triển vọng kinh tế 2009, Ngân hàng J.P Morgan cho rằng những tác động xấu của quý 4/2008 cũng ảnh hưởng nhiều đến Châu Á nhưng khu vực này sẽ sớm phục hồi và phát triển. Do gặp khó khăn trên tất cả các lĩnh vực, ngân hàng Mỹ đề nghị các nhà đầu tư thận trọng khi tập trung vào mảng tài chính và nên xem xét cổ phiếu của ngành ôtô và công nghệ.
Với câu hỏi sự suy thoái kinh tế hiện nay sẽ kéo dài bao lâu ? Ngân hàng J.P. Morgan cho rằng thời kỳ tồi tệ nhất đã lùi qua phía sau tuy nhiên lòng tin của người tiêu dùng sẽ khó trở lại nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á sẽ không thể không bị ảnh hưởng tuy nhiên nó sẽ ít hơn nhiều so với những quốc gia phát triển.
Trong số các nước sẽ hồi phục nhanh, Trung Quốc là quốc gia cần đầu tư gấp rút, những nơi khác cũng đáng quan tâm là Singapore, Hong Kong, Đài Loan. Ngoài ra theo Ngân hàng J.P.Morgan, trong khu vực Châu Á, các quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn, thặng dư ngân sách cũng đáng xem xét. Các nước như Australia, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc sẽ đòi hỏi một lượng vốn lớn hơn vì theo J.P.Morgan quốc gia này có sự kết nối với khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ngân hàng BNP Paribas cũng xây dựng một danh sách gồm 28 Cty sống sót trong cơn khủng hoảng tài chính vừa qua và đây là những địa chỉ nên chú ý đầu tư. Một trong số đó là HSBC, ngân hàng được mô tả là tốt nhất, xếp sau đó là những ngân hàng như China Merchants Bank, Thailands Siam Commercial Bank. Trong lĩnh vực công nghệ có Samsung Electronics, Cty có báo cáo tài chính cân bằng tốt nhất lĩnh vực công nghệ với hàng loạt sản phẩm uy tín, bán chạy như linh kiện bán dẫn, vô tuyến màn hình tinh thể lỏng LCD, thiết bị di động cầm tay. Bên cạnh đó các hãng như TSMC, MediaTek và Infosys Technologies cũng vẫn duy trì làm ăn hiệu quả dù thế giới gặp khó khăn.
Với những dự báo lạc quan như vậy, Châu Á có nhiều lý do để vui mừng và tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế linh hoạt, phù hợp để xác lập những kết quả phát triển kinh tế mới trong năm 2009.
Hoa Chi (dddn)
Bình luận (0)