Hội nhậpThế giới 24h

Châu Á sẽ là động lực tăng trưởng

Tạp Chí Giáo Dục

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho rằng cần ưu tiên chống lạm phát và tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD; trụ sở ở thủ đô Paris – Pháp) hôm 22-11 đưa ra dự báo mới nhất rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, giảm so với mức 5,9% năm 2021.

Dù OECD không nói đến kịch bản suy thoái, dự báo của tổ chức này vẫn bi quan hơn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Vào tháng rồi, IMF cho rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% năm nay và 2,7% năm tới.

Theo OECD, kinh tế toàn cầu hiện chịu tác động của lãi suất cao, lạm phát leo thang, niềm tin người tiêu dùng suy giảm và cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tình hình có thể còn xấu hơn trong năm tới khi mức tăng trưởng nói trên chỉ đạt 2,2% trước khi tăng lên 2,7% năm 2024.

Ông Alvaro Santos Pereira, nhà kinh tế trưởng của OECD, khẳng định kinh tế thế giới đang choáng váng bởi cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất kể từ những năm 1970. Cú sốc năng lượng này khiến lạm phát lên mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn thế giới.

Theo OECD, lạm phát của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ đạt mức 8% trong quý IV/2022 trước khi giảm xuống 5,5% vào năm 2023 và 2024. Đối với các nền kinh tế phát triển, lạm phát vẫn ở mức trên 9% trong năm nay trước khi giảm xuống còn 6,6% năm 2023.

Châu Á sẽ là động lực tăng trưởng - Ảnh 1.

Một cửa hàng thiết bị điện tử – điện lạnh ở TP Mumbai – Ấn Độ, quốc gia được OECD dự báo có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm tới. Ảnh: Reuters

Đáng chú ý, OECD dự báo động thái tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng không đáng kể trong 2 năm tới (0,5% năm 2023 và 1% năm 2024). Con số này trong năm nay là 1,8%, giảm mạnh so với mức 5,9% vào năm 2021.

Với 19 quốc gia châu Âu sử dụng đồng euro, dự báo của OECD cũng không mấy tươi sáng. Chịu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, khu vực đồng euro sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023 trước khi con số này tăng nhẹ lên 1,4% một năm sau đó.

Ở chiều ngược lại, OECD xem châu Á là động lực tăng trưởng chính của thế giới trong 2 năm 2023 và 2024. Riêng trong năm tới, tăng trưởng thế giới sẽ "phụ thuộc mạnh mẽ" vào các nền kinh tế lớn ở châu Á giữa lúc châu Âu và châu Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng sụt giảm.

Theo dự báo của OECD, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,6% năm nay và 5,7% năm tới. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo có mức tăng trưởng kém ấn tượng hơn (3,3% năm 2022 và 4,6% năm 2023) do tác động của chính sách không khoan nhượng với COVID-19, khủng hoảng bất động sản…

OECD cho rằng ưu tiên chính sách hàng đầu phải là chống lạm phát. Tổ chức gồm 38 nước thành viên này khuyến nghị thắt chặt chính sách tiền tệ ở những quốc gia nơi giá cả vẫn còn cao và hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp trước áp lực lạm phát gia tăng. Ngoài ra, OECD còn kêu gọi tăng tốc đầu tư vào việc ứng dụng, phát triển các nguồn và công nghệ năng lượng sạch để giúp đa dạng hóa nguồn cung và bảo đảm an ninh năng lượng. 

Theo Hoàng Phương/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)