Hội nhậpThế giới 24h

Châu Á tăng cường máy bay săn tàu ngầm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các bên tại châu Á đang tăng cường trang bị máy bay săn tàu ngầm giữa lúc tình hình an ninh hàng hải khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Đầu tháng 4.2013, Công ty cung cấp thông tin tình báo IHS dẫn lời một lãnh đạo của Tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin tiết lộ chính phủ Mỹ đang thảo luận việc bán 6 máy bay săn ngầm P-3 Orion cho một quốc gia Đông Nam Á, đang có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc. Giới quan sát nhận định, số máy bay P-3 Orion dù không được bán kèm vũ khí nhưng chúng sẽ giúp quốc gia này tăng cường khả năng tuần tra vùng đặc quyền kinh tế, phòng chống tàu ngầm của các nước bên ngoài.

Các máy bay P-3 Orion của Nhật Bản, Canada, Úc, Hàn Quốc và Mỹ trong một cuộc tập
trận chung tại Hawaii – Ảnh: US Navy 
Ước tính gần 800 chiếc P-3 Orion được bán ra trên toàn thế giới từ trước đến nay. Được cung cấp bởi Lockheed Martin, dòng máy bay này đóng vai trò “gác cổng” quan trọng cho nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Canada, Úc, Hàn Quốc… Tất nhiên, đây cũng là loại máy bay tuần tra chủ lực của Mỹ. Theo trang mạng của hải quân Mỹ, P-3 Orion các thế hệ mới nhất được trang bị nhiều loại thiết bị điện tử, do thám, dò tìm bằng sóng âm, radar, định vị tối tân. Những hệ thống này phối hợp tập trung thông tin dữ liệu, kết nối vệ tinh để dò tìm và nhận diện các loại tàu ngầm chạy cực êm lẫn tàu ngầm hạt nhân tấn công lặn sâu. Bên cạnh đó, máy bay P-3 Orion còn có thể thả các thiết bị sonar (dò tìm bằng sóng âm) xuống dưới nước để tạo nên một mạng lưới cảnh báo tàu ngầm. Ngoài ra, nếu cần, P-3 Orion được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân như tên lửa chống tàu chiến Harpoon có tầm bắn hơn 100 km, tên lửa tấn công mặt đất AGM-65 Maverick, bom, thủy lôi, ngư lôi…
Nhiều bên chạy đua
Đầu năm nay, CNA đưa tin Đài Loan sắp nhận chiếc đầu tiên trong số 12 máy bay P-3 Orion mà đảo này mua từ Mỹ, với giá trị tổng đơn hàng lên đến 1,96 tỉ USD, gồm cả vũ khí và nhiều hạng mục liên quan. Trong khi đó, hồi tháng 12.2012, báo The Time of India đưa tin Ấn Độ vừa nhận chiếc đầu tiên của đơn hàng 8 máy bay săn ngầm P-8I, thuộc dòng P-8 Poseiden, do Mỹ cung cấp. Đây là loại máy bay săn ngầm vào loại hiện đại nhất thế giới hiện nay và tổng giá trị đặt mua của New Delhi lên đến 2,1 tỉ USD. Theo The Time of India, New Delhi hiện đàm phán để mua thêm 4 chiếc P-8I nữa.
Tại châu Á, Nhật Bản cũng là quốc gia đang tích cực tăng cường trang bị máy bay săn ngầm. Cuối tháng 3.2013, báo The Japan Times đưa tin lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản vừa tiếp nhận 2 máy bay Kawasaki P-1 đầu tiên. Đây là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng máy bay săn ngầm mà Tokyo theo đuổi. Dự kiến, Tokyo sẽ trang bị tổng cộng 70 chiếc Kawasaki P-1, vốn được đánh giá hiện đại ngang ngửa P-8 Poseidon của Mỹ.
Tất nhiên, là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Đầu năm nay, chuyên trang hải quân Navyrecognition.com đưa tin Bắc Kinh vừa bay thử loại máy bay săn ngầm Y-8FQ. Mặc dù được giới thiệu hiện đại tương đương P-3 Orion nhưng Y-8FQ chỉ mới dừng ở mức độ thử nghiệm khi nâng cấp từ dòng máy bay vận tải Y-8. Trong khi đó, hiệu quả hoạt động thực tế của P-3 Orion được khẳng định suốt nhiều năm qua.
Thông tin về máy bay P-3 Orion
Chiều dài: 35,6 m.
Sải cánh: 30,4 m.
Chiều cao: 11,8 m.
Tốc độ tối đa: 750 km/giờ
Tốc độ hành trình:  610 km/giờ.
Tầm bay tối đa: 8.944 km.
Bán kính tác chiến:  2.490 km
Thời gian hoạt động liên tục: 16 tiếng.
Trần bay: 8.654 m.
Phi hành đoàn: 11 người.
Các loại vũ khí: tên lửa tấn công tàu chiến và mặt đất, ngư lôi, thủy lôi, bom đa năng, bom hạt nhân.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)