Không chấp nhận ngồi đợi khách du lịch Trung Quốc, Thái Lan "dụ" khách Âu – Mỹ đến tránh đông để khỏi đối mặt với cái lạnh khắc nghiệt châu Âu và hóa đơn năng lượng đắt đỏ.
Năm 2019, 155 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch nước ngoài, theo Ngân hàng Thế giới. Gần một nửa số đó đến các quốc gia châu Á, đồng nghĩa với việc, khu vực này đang mất đi khoảng 70 triệu du khách mỗi năm.
Khó phục hồi hoàn toàn vào 2023
Koichiro Obu, đến từ công ty quản lý tài sản DWS của Đức, cho biết: Lĩnh vực khách sạn châu Á đang bị trì trệ do Trung Quốc kiểm soát biên giới. 90% khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài từng đặt chân đến các nước châu Á và mỗi năm, số người Trung Quốc du lịch ra nước ngoài tăng thêm 10 triệu.
"Rõ ràng, khách Trung Quốc là động lực tăng trưởng của du lịch khu vực này. Tôi không tin thị trường du khách quốc tế của châu Á sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm sau. Sớm nhất cũng phải 2024", ông nói với SCMP.
Cũng như nhiều nước châu Á khác, Việt Nam đang tìm kiếm nguồn khách Ấn Độ với hi vọng thay thế khách Trung Quốc. NHẬT THỊNH
Ngay cả khi các quốc gia trong khu vực như Nhật, Hàn… đã loại bỏ hết các hạn chế Covid-19 để thu hút du khách, thì sự vắng mặt của du khách Trung Quốc vẫn tiếp tục đè nặng lên công suất và giá phòng của khách sạn.
Trung Quốc đang thực thi chính sách "zero Covid", các chuyến bay quốc tế vẫn phải trải qua kiểm dịch nghiêm ngặt và số lượng chuyến bay tới nước này bị hạn chế nghiêm trọng.
Sự vắng bóng của khách Trung Quốc ở châu Á khiến ngành khách sạn lao đao. So với các nước châu Âu, giá phòng ở châu Á giảm sát đáy. Cụ thể, chất lượng phòng tương đương, nhưng ở Pháp, Ý, Hy Lạp… là 250 USD còn trung bình châu Á 50 USD, theo STR, công ty chuyên theo dõi hoạt động ngành khách sạn thế giới.
Obu cho biết, điều này đã buộc nhiều chủ khách sạn phải từ bỏ tài sản. Ví dụ tại Nhật Bản, Seibu Holdings đã bán danh mục khách sạn của mình cho quỹ tài sản Singapore GIC với giá khoảng 150 tỉ yen (1,4 tỉ USD) vào giữa năm nay. Công ty vận chuyển Odakyu Electric Railway bán khách sạn Hyatt Regency Tokyo ở quận trung tâm Shinjuku với giá khoảng 100 tỉ yen.
Obu cho rằng, những thương vụ mua bán khách sạn như vậy ở Nhật là khó xảy ra trong điều kiện bình thường. "Nó chỉ xảy ra khi thị trường suy thoái", Obu bình luận.
Tại Hồng Kông, kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra. Trước 2019, 51 triệu trong 65,1 triệu du khách ở thị trường này đến từ Trung Quốc Đại lục.
Jonathan Law, Phó chủ tịch của Công ty quản lý bất động sản JLL, cho biết ngành du lịch Hồng Kông phụ thuộc vào khách Đại lục và cho đến khi nào Trung Quốc mở cửa trở lại, Hồng Kông mới hi vọng lấp đầy khoảng trống như trước đại dịch.
Law cho rằng ngành khách sạn Hồng Kông cần đến hai hoặc ba năm mới phục hồi hoàn toàn. Việc nới lỏng các hạn chế du lịch ở thị trường này không giúp ích gì vì người dân chọn đi du lịch nước ngoài.
Không chờ đợi khách Trung Quốc
Triển vọng phục hồi của du lịch Nhật Bản đầy hứa hẹn nhưng "tác động tổng thể đối với nền kinh tế nước này có thể không mấy tích cực" vì khách du lịch Trung Quốc vẫn chưa quay trở lại, theo CNBC.
Khách Trung Quốc chiếm 30% lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản trong hơn 32 triệu khách năm 2019. Yuriko Tanaka, nhà kinh tế của Goldman Sachs, cho biết một khi du khách Trung Quốc quay trở lại có thể thúc đẩy chi tiêu nội địa từ 1,8 ngàn tỉ yen năm 2019 lên 2,6 ngàn tỉ yen, bằng 0,5% GDP của Nhật Bản. Goldman Sachs dự báo, khách Trung Quốc sẽ đi du lịch nước ngoài vào quý 2.2023.
Nhiều điểm đến từng là "điểm nóng" khách Trung Quốc, như Nha Trang, trở nên heo hút trong gần 3 năm qua. NGUYỄN CHUNG
"Du khách Trung Quốc rõ ràng nắm giữ chìa khóa của phục hồi du lịch không chỉ riêng Nhật Bản mà cả châu Á. Không có khách Trung Quốc, thị trường chi tiêu nội địa Nhật Bản phải mất nhiều thời gian để trở lại như cũ.
Trong khi đó, Tổng cục du lịch Thái Lan (TAT) đang tìm cách thu hút du khách Âu, Mỹ. Theo Nikkei Asia, TAT vừa tung ra chiến dịch: Tiết kiệm hóa đơn sưởi ấm bằng cách đến Thái Lan tận hưởng khí hậu nhiệt đới.
Chiến dịch tiếp thị nhằm quảng bá điểm đến Thái Lan quanh năm nắng ấm, với mục tiêu giữ chân du khách Âu – Mỹ ở lại lâu hơn. Đây được cho là chìa khóa để TAT đạt doanh thu 15,7 tỉ USD và 10 triệu khách quốc tế bất chấp thiếu vắng du khách Trung Quốc.
"Chúng tôi xác định tập trung vào chất lượng bù số lượng, nghĩa là hướng tới đối tượng khách có khả năng đến Thái thường xuyên và ở lại lâu hơn", Yuthasak Supasorn của TAT cho biết.
Những con số nói trên thấp hơn nhiều so với trước đại dịch khi Thái Lan đón 40 triệu khách quốc tế 2019 và thu 3.000 tỉ bath. Nếu khách Trung Quốc kịp quay lại cuối năm, Thái sẽ đón 12 triệu khách. "Nhưng tôi không kỳ vọng khách Trung Quốc quay trở lại trước tháng 1.2023 vì thế chúng tôi không chờ đợi mà làm việc với các thị trường khách khác, đặc biệt là Hàn và Nhật", ông nói.
Để thay thế khách Trung Quốc, Thái Lan nỗ lực thu hút khách Ấn Độ và Trung Đông và đạt kết quả cao khi có tới 500.000 khách Ấn đến Thái, chỉ đứng sau khách Malaysia trong năm nay. Nhờ đó, du lịch Thái phục hồi nhanh hơn các đối thủ trong khu vực.
Thái Lan kỳ vọng du khách sẽ tăng thời gian lưu trú ở nước này thêm 20% vào năm sau và từ đó tăng 30% chi tiêu. TAT tin khách sẽ ở lại lâu hơn do vé máy bay đắt hơn và chính sách miễn thị thực 45 ngày thay vì 30 ngày như trước.
Tuy nhiên, thách thức với Thái Lan là các hãng hàng không chỉ mới mở lại và công suất chỗ ngồi chỉ đạt 30% so trước dịch, khiến giá vé tăng gấp đôi. Vì thế, TAT đang tìm mọi cách tăng lượng khách đến, dồn nén để các hãng tăng chuyến. Dự kiến, TAT sẽ đưa công suất ghế ngồi của các hãng bay lên 574.000 chỗ vào mùa đông năm nay, tăng 74% so mùa hè. Đồng thời, Bộ Du lịch Thái đặt mục tiêu 55% tỉ lệ lấp đầy phòng khách sạn trong nước.
Ngoài ra, ông Yuthasak cho biết đang chuẩn bị chiến dịch giảm chi phí vận tải, vì giá xăng dầu ở Thái quá cao, để giảm giá tour, thu hút du khách. Nước này cũng nhắm tới đối tượng khách trẻ từ Hàn Quốc và Nhật Bản đến Thái chơi golf, lặn biển và sử dụng các liệu pháp chăm sóc sức khỏe.
Theo Vi Nguyễn/TNO
Bình luận (0)