Đã hai thập kỷ trôi qua kể từ khi kỷ nguyên của chuyến bay thương mại siêu âm kết thúc với lần hạ cánh cuối cùng của Concorde tại một sân bay ở tây nam nước Anh.
Trong những năm gần đây, nhiều lời hứa hẹn đã được tung ra về siêu thanh, chạy bằng hydro, công nghệ chống cháy nổ nhưng nhiều dự án di chuyển siêu nhanh này lại bị đình trệ hay chậm trễ.
Giờ đây, một công ty khởi nghiệp siêu thanh ở châu Âu đang thử sức, hứa hẹn thời gian hành trình hấp dẫn như di chuyển từ Frankfurt đến Sydney (khoảng 16.000 km) trong 4 tiếng 15 phút hay từ Memphis đến Dubai (khoảng 12.000 km) trong 3 giờ 30 phút.
Công ty Destinus muốn phát triển loại máy bay bằng hydro với tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh, cắt giảm thời gian bay xuống dưới một phần tư so với hành trình hàng không thương mại hiện tại. Có trụ sở chính tại Thụy Sĩ với đội ngũ khoảng 120 nhân viên trải rộng ở Tây Ban Nha, Pháp và Đức, Destinus được thành lập vào năm 2021 nhưng đã nhanh chóng đạt được những cột mốc quan trọng.
Hai nguyên mẫu đầu tiên của nó đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm thành công và sắp bắt đầu thử nghiệm chuyến bay chạy bằng hydro. Nguyên mẫu thứ ba của nó – Destinus 3 – sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm nay.
Giám đốc phát triển kinh doanh của công ty là Martina Löfqvist đã liên lạc với CNN qua một cuộc gọi video để giải thích về công nghệ của mình.
Thiết kế máy bay siêu thanh Destilus.
Nhiên liệu
Chiến lược của Destinus là phát triển máy bay không người lái kích thước nhỏ trước khi mở rộng quy mô để trở thành máy bay chở hành khách. Hydro là nhiên liệu được Destinus lựa chọn do đây là nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo, sản xuất ngày càng rẻ và có khả năng giúp công ty này thực hiện các tham vọng về tốc độ và tầm xa.
Löfqvist cho biết: “Chúng tôi cố gắng đi những quãng đường cực kỳ xa bằng các phương tiện của mình như bay từ châu Âu đến Úc với tốc độ Mach 5. Sử dụng dầu hỏa có nghĩa là máy bay sẽ trở nên khá nặng, trong khi so với dùng hydro thì rất nhẹ. Hydrogen cũng có mật độ năng lượng cao hơn nhiên liệu máy bay truyền thống.
Mục tiêu dài hạn là chạy hoàn toàn bằng hydro và không phát thải, nhưng trong khi sản xuất hydro vẫn đang được mở rộng quy mô, kế hoạch ngắn hạn của Destinus là sử dụng nhiên liệu phản lực Jet A, sau đó mới chuyển đổi khi đạt tốc độ Mach 3. Nguyên nhân là bởi “hydro không thực sự hữu ích hoặc tốt hơn Jet A cho đến khi bạn đạt đến tốc độ siêu thanh.”
Thiết kế
Các nguyên mẫu Destinus là những chiếc máy bay có thân pha trộn ở dạng waverider – một thiết kế siêu thanh lần đầu được hình thành vào những năm 1950. Löfqvist cho biết hình dạng cổ điển này đã được nghiên cứu trong rất nhiều năm.
“Mục đích của nó là để bạn có thể cưỡi trên các sóng xung kích được tạo ra từ chính chiếc máy bay. Đó là một hình dạng khá hiệu quả mà bạn có thể sử dụng ít nhiên liệu hơn để bay vì có ít lực cản hơn với không khí.”
Nguyên mẫu sắp tới là Destinus 3 sẽ có tốc độ siêu thanh. Công ty hy vọng sẽ đạt được chuyến bay siêu thanh chạy bằng năng lượng hydro vào năm 2024 và sẽ có thể tung ra loại máy bay chở được khoảng 25 hành khách, hoàn toàn tập trung và khách hàng hạng thương gia.
Đến những năm 2040, phiên bản mở rộng hoàn toàn của Destinus sẽ có nhiều hạng, bao gồm cả hạng phổ thông. Họ hy vọng rằng đến lúc đó giá hydro sẽ giảm đáng kể, để sau đó có thể giảm giá đối với các chuyến bay tầm cực xa này.
HT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)