Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) vừa phóng thành công tên lửa Ariane 6 lên không gian sau vài năm trì hoãn.
Thành tựu này mở đường cho châu Âu đưa vệ tinh lên không gian mà không cần phải dựa vào các tổ chức hoặc công ty khác, như SpaceX (Mỹ). Tên lửa Ariane 6 là phiên bản thay thế Ariane 5, được phóng lần đầu tiên vào giữa những năm 90.
Sau 117 vụ phóng trong gần 20 năm, Ariane 5 đã về hưu vào năm ngoái. Kể từ đó, ESA phải dựa vào các đối thủ để đưa vệ tinh vào không gian trong lúc chờ Ariane 6 thay thế.
Tên lửa Ariane 6 được phóng thành công tại Kourou, Guyane thuộc Pháp hôm 9-7. Ảnh: Reuters
Chương trình phát triển Ariane 6 tốn khoảng 4,5 tỉ USD, do Công ty ArianeGroup, một liên doanh giữa hai hãng Airbus và Safran (Pháp), chế tạo. Theo đài CNBC, có 13 quốc gia đóng góp vào chương trình này. Tên lửa mới có khả năng đưa vệ tinh lên quỹ đạo địa tĩnh cách trái đất 36.000 km.
Chuyến bay thương mại đầu tiên của Ariane 6 dự kiến diễn ra trước cuối năm nay. Giới chức ESA nhận định thách thức tiếp theo là thực hiện thành công các vụ phóng được lên kế hoạch cho năm 2025 (6 vụ) và 2026 (8 vụ). Hiện có ít nhất 29 sứ mệnh đang chờ Ariane 6, trong đó nhiều vụ phóng nhằm triển khai các vệ tinh internet Kuiper của hãng Amazon (Mỹ).
Theo kế hoạch, vụ phóng đầu tiên của Ariane 6 diễn ra vào năm 2020 nhưng bị trì hoãn do một loạt nguyên nhân như trục trặc kỹ thuật, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine.
Bất chấp chi phí tăng và sự trì hoãn kéo dài, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn tiếp tục ủng hộ chương trình Ariane 6, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu lục này tự tiếp cận không gian, thay vì phụ thuộc vào SpaceX.
Giờ đây, ESA kỳ vọng hệ thống tên lửa Ariane 6 sẽ giúp cơ quan này tự chủ hơn và thậm chí thách thức sự thống trị của SpaceX trong thị trường phóng vệ tinh toàn cầu. Ngoài Ariane 6, châu Âu hiện có tên lửa Vega-C, được thiết kế để đưa vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo. Tuy nhiên, sau lần phóng thất bại hồi tháng 12- 2022, vụ phóng kế tiếp bị hoãn đến cuối năm nay.
Theo Hoàng Phương/NLĐO
Bình luận (0)