Hội nhậpThế giới 24h

Châu Âu gồng mình trước mùa hè “rực lửa”

Tạp Chí Giáo Dục

Nguy cơ sóng nhiệt tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 khiến ban tổ chức “toát mồ hôi hột” về sự an toàn của các vận động viên.

Một du khách đang giải nhiệt trên đường phố ở Rome, Italy. Ảnh: Euronews

Châu Âu đang bước vào mùa hè “rực lửa” khi Đức và các nước Bắc Âu chuẩn bị đón đợt nhiệt độ cao bất thường. Trong khi đó, nguy cơ sóng nhiệt tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 cũng khiến ban tổ chức toát mồ hôi về sự an toàn của các vận động viên. Tây Ban Nha đang chuẩn bị cho một mùa hè oi bức khác, phát hành bản đồ mới giúp dự đoán sóng nhiệt chính xác hơn. Các thành phố trên khắp lục địa già đang làm mọi cách để thích ứng với tình trạng nắng nóng cực độ.

Cả thế giới đã trải qua 11 tháng nắng nóng kỷ lục liên tiếp và nhiệt độ bề mặt nước biển ở Bắc Đại Tây Dương đã tăng lên mức cao nhất trong ít nhất 40 năm qua. Khi nói đến các đợt nắng nóng hoặc thời tiết khắc nghiệt, không ai có thể biết trước điều gì đang chờ đón. Nhưng thời tiết trong quá khứ có thể cung cấp cho người dự báo một số manh mối.

Tamsin Green, nhà khí tượng học của dịch vụ dự báo Weather & Radar, cho biết: “Rất khó để dự đoán chính xác thời tiết sẽ diễn ra như thế nào, điều này là do thời tiết khắp châu Âu thay đổi với vô số yếu tố bất thường khác nhau”. Theo bà T.Green, có khả năng các điểm nóng tập trung ở khu vực Nam và Đông Âu.

Tây Âu có thể chứng kiến ​​lượng mưa trung bình trong tháng 6, sau đó, trong tháng 7, miền Nam châu Âu sẽ có lượng mưa trên mức trung bình. Bà cho biết thêm, tháng 8 phần lớn lục địa có thể sẽ khô hơn và ổn định hơn. Rất nhiều yếu tố đang ảnh hưởng đến thời tiết của châu Âu. Ví dụ, thế giới hiện đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hiện tượng khí hậu El Niño và La Niña, điều này “rất quan trọng” để xác định các kiểu thời tiết và nhiệt độ toàn cầu.

Mặc dù El Niño được định nghĩa là hiện tượng nhiệt độ bề mặt nước biển trên mức trung bình và lượng mưa tăng lên ở vùng nhiệt đới phía Đông và trung tâm Thái Bình Dương, nhưng nó vẫn có tác động toàn cầu. T.Green giải thích rằng, “giống như hiệu ứng domino”, thời tiết ở một nơi có thể ảnh hưởng đến điều kiện ở phía bên kia hành tinh. Nếu lượng mưa tăng ở một nơi nào đó trên thế giới thì lượng mưa sẽ giảm ở nơi khác. Ví dụ, châu Âu thường hứng chịu tàn dư của các cơn bão nhiệt đới gió mùa.

Hoạt động của bão ở Đại Tây Dương, trong mùa bão từ tháng 6 đến tháng 11, có thể sẽ tăng mạnh khi La Niña hình thành ở Thái Bình Dương gây áp lực lên bão ở đó. Tuy nhiên, có một yếu tố đóng vai trò quan trọng khiến mùa hè ngày càng nóng bức ở lục địa già là biến đổi khí hậu. T.Green nói: “10 vừa qua là những năm nóng nhất được ghi nhận, với phần lớn hiện tượng Trái đất nóng lên xảy ra trong 40 năm qua. Chúng ta đã chứng kiến ​​tháng 4 năm 2024 trở thành tháng thứ 11 liên tiếp có mức nóng kỷ lục.”

Theo dữ liệu gần đây của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan khí hậu EU Copernicus (C3S), châu Âu đang nóng lên gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ năm 1991. Châu lục này “không phải là ngoại lệ” khi nói đến hậu quả của biến đổi khí hậu khi cả hai cơ quan đều cảnh báo rằng châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa để cắt giảm lượng khí thải và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. 23 trong số 30 đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trên lục địa đã xảy ra kể từ năm 2000 – 5 đợt xảy ra trong 3 năm qua. Mức trung bình 5 năm mới nhất cho thấy nhiệt độ ở châu Âu hiện cao hơn 2,3oC so với thời kỳ tiền công nghiệp so với mức cao hơn 1,3oC trên toàn cầu. Vì vậy, T.Green cho rằng: “Năm 2024 có thể sẽ là một năm nóng kỷ lục với xu hướng tăng nhiệt độ toàn cầu”.

Theo Lam Điền/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)