Chưa kịp định thần sau vụ khủng hoảng ngân hàng ở CH Síp, châu Âu lại phải đón nhận thêm một thông tin xấu khi tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) đã tăng cao ở mức kỷ lục 12%. Đây sẽ là yếu tố có thể khiến khu vực này rơi sâu hơn vào khủng hoảng.
Kỷ lục thất nghiệp
Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp 2 tháng đầu năm nay đã xô đổ các kỷ lục về thất nghiệp được xác lập trong khoảng thời gian cuối năm 2011. Đây cũng là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất mà Eurostat ghi nhận được từ năm 1999, thời điểm đồng euro bắt đầu được lưu hành. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tập trung ở khu vực Nam Âu. Hy Lạp có tỷ lệ thất nghiệp được ghi nhận vào tháng 12 với tỷ lệ 26,4%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao chưa từng thấy: 58,4%. Tây Ban Nha, nơi nền kinh tế đang bị co lại sau cuộc khủng hoảng, đứng ở vị trí thứ 2 các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất được ghi nhận vào tháng 2 ở mức 26,3%.
Nhiều người xếp hàng bên ngoài một văn phòng hỗ trợ thất nghiệp tại Madrid, Tây Ban Nha.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn đó là Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 của eurozone, cũng có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở mức 10,8%, cao gấp đôi tỷ lệ của Đức (5,4%). Philippe d’Arvisenet, nhà kinh tế trưởng toàn cầu Ngân hàng BNP Paribas, cho biết Pháp đã mất đi khả năng cạnh tranh so với Đức trong những năm qua. Trong khi Berlin “đại tu” thị trường lao động để giảm chi phí thì Pháp tiếp tục không có bất kỳ sự thay đổi nào.
Hiện tại eurozone có tổng cộng 19,07 triệu người thất nghiệp, cao hơn gần 2 triệu người so với cùng thời điểm năm 2012. Ủy viên về việc làm châu Âu Laszlo Andor gọi đây là mức thất nghiệp “không thể chấp nhận”, là thảm họa cho châu Âu. Marie Diron, tư vấn kinh tế cao cấp của Công ty Ernst & Young (Mỹ), nhận định tỷ lệ thất nghiệp cao cho thấy dấu hiệu nguy hiểm đe dọa đến tương lai eurozone. Ủy ban châu Âu (EC) vừa qua đưa ra dự báo GDP của eurozone sẽ tăng trưởng ở mức 0,3% trong năm nay.
Quá nhiều tín hiệu xấu
Rất nhiều quan chức châu Âu kỳ vọng kinh tế khu vực sẽ sáng sủa hơn trong quý 2-2013. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại không đồng tình với suy nghĩ được cho là quá lạc quan của các quan chức châu Âu. Mark Cliffe, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn ING (Hà Lan) cho rằng châu Âu đang rơi vào một vòng luẩn quẩn. Các chính sách cắt giảm chi tiêu, tăng thuế để giảm nợ công nhưng lại khiến thất nghiệp tăng cao. Ông Cliffe cũng cho rằng tình hình tại châu Âu sẽ chưa thể thay đổi trước khi cuộc tổng tuyển cử tại Đức diễn ra vào tháng 9 tới.
Không chỉ có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của eurozone cũng giảm xuống 46,8 điểm, mức thấp nhất từ tháng 12-2012. Điều này cho thấy năng lực sản xuất của khu vực này cũng đang đi xuống.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các nước có nền kinh tế khó khăn tại Nam Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang phải đối mặt với các khoản vay có lãi suất cao hơn các nước ở phía Bắc như Đức. Điều này sẽ khiến tài chính khu vực châu Âu càng mong manh.
Các nhà kinh tế cho rằng đây là thời điểm cần phải thực thi nhiều biện pháp kinh tế cơ bản hơn nữa như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần phải đẩy mạnh việc mua các khoản nợ xấu từ ngân hàng, giúp ngân hàng thương mại có thêm vốn để cho doanh nghiệp vay, đầu tư vào kinh doanh. Rất nhiều ý kiến cho rằng các chính phủ của châu Âu phải thực hiện chính sách tăng trưởng thay vì thắt lưng buộc bụng như hiện nay. Châu Âu khó khăn sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng. Vì vậy, chính phủ các nước thành viên châu Âu phải nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc vực dậy nền kinh tế không chỉ với khu vực mà còn cả thế giới.
Đỗ Cao (SGGP)
Bình luận (0)