Theo chỉ số thành phố thông minh 2024 mới công bố, nhiều thành phố ở châu Âu và châu Á đang thăng hạng trong khi các thành phố Bắc Mỹ vắng mặt trong tốp 20 lần đầu tiên kể từ năm 2019.
Theo đài CNBC hôm 21-4, trong tốp 10 có đến 7 thành phố ở châu Âu. Cụ thể, có 3 thành phố thuộc về Thụy Sĩ là Zurich (hạng 1), Geneve (hạng 4) và Lausanne (hạng 7).
Các thành phố Oslo – Na Uy, Copenhagen – Đan Mạch, London – Anh và Helsinki – Phần Lan lần lượt xếp thứ 2, 6, 8 và 9. Ba vị trí còn lại trong tốp 10 là Canberra – Úc (thứ 3), Singapore (thứ 5) và Abu Dhabi – Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (thứ 10).
Trong khi đó, nhiều thành phố ở Mỹ bị tụt hạng trong bảng xếp hạng 142 thành phố nói trên. Thành phố đứng vị trí cao nhất là New York (34). Riêng Việt Nam có 2 thành phố góp mặt là Hà Nội (97) và TP HCM (105).
Một khu vực tại TP Zurich – Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters
Bảng xếp hạng trên được công bố bởi Đài quan sát thành phố thông minh thuộc Trung tâm Cạnh tranh thế giới IMD (Thụy Sĩ) và Tổ chức Thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), trụ sở tại thủ đô Seoul – Hàn Quốc.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu và khảo sát 120 cư dân đại diện mỗi nơi, từ đó đưa ra cái nhìn tổng quan về cơ sở hạ tầng và công nghệ tác động ra sao đến hiệu quả hoạt động của thành phố và chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo IMD, thành phố thông minh được định nghĩa là "một môi trường đô thị áp dụng công nghệ để nâng cao lợi ích và giảm thiểu những hạn chế của quá trình đô thị hóa đối với người dân".
Hầu hết thành phố trong tốp 20 đều nằm ở các khu vực có môi trường kinh tế và xã hội tương đối ổn định ngay cả trong bối cảnh toàn cầu bất ổn. Các thành phố có thứ hạng cao cũng thực hiện các sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tập trung vào việc phát triển không gian xanh và mở rộng cơ hội cho các sự kiện văn hóa và sự gắn kết xã hội.
Ngoài ra, nhiều thành phố còn kết hợp với các chiến lược đổi mới sáng tạo để thu hút và giữ chân nhân tài, thúc đẩy đầu tư có chọn lọc…
Ông Bruno Lanvin, Chủ tịch Đài quan sát thành phố thông minh, cho rằng các thành phố phải thiết kế và áp dụng những chiến lược có thể chống lại một loạt thách thức trong tương lai, từ khí hậu, sức khỏe cho đến căng thẳng địa chính trị.
Niềm tin và khả năng quản lý tốt đang ngày càng trở nên quan trọng, song song với vai trò ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thiết kế và quản lý thành phố.
Theo Anh Thư/NLĐO
Bình luận (0)