Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Châu giỏi toán vừa được tám trường tây mời đón

Tạp Chí Giáo Dục

Đẹp trai, học giỏi, thông minh, Trần Hải Châu (vừa tốt nghiệp trường THPT Hà Nội – Amsterdam), được tám trường đại học ở Mỹ mời nhập học, trong đó có hai trường cấp học bổng toàn phần. Châu chọn Đại học Brown (Mỹ) là đích đến đầu tiên trên hành trình "nhìn ra thế giới".
Nghe có vẻ phi lý, nhưng chàng trai sinh năm 1993 bảo đó là sự thật, khi nói về sở thích và đam mê của mình: Ham đọc sách văn hóa, xã hội, nhưng giành tình yêu cho môn Toán. Mọi vấn đề, lĩnh vực trong cuộc sống, với Châu, đều có sự hiện diện của Toán học. Đến nỗi, chủ đề những bài luận gửi "đấm xứ người" ở các trường đại học hàng đầu nước Mỹ cũng mang "hơi thở" của Toán học về độ chính xác, logic, những con số và sức thuyết phục.
Châu bảo: Toán học như một cuốn phim. Các bước giải một bài toán thật gần gũi với những công đoạn hình thành bộ phim. Tìm hiều đề tài, hướng làm, tiến hành giải, rút ra bài học…
Trong bài luận gửi trường Đại học Brown, Châu đề cập đến mối liên quan Tâm lý – Toán học. Chàng ta đi tìm lời giải cho việc hiểu biết về Toán học giúp mỗi người có tư duy logic, đưa ra những quyết định nhanh hơn, làm việc cao hơn, nhắm hiệu quả xa hơn.
Hay khi chuẩn bị làm hồ sơ du học, Châu tự nhận xét về năng lực và sở thích của bản thân trong hai từ “Toán học” và “Máy tính”. Ừ nhỉ, nếu có phút ngồi nhìn lại, sẽ thấy, Hải Châu – Toán học cũng nhiều lần xuất hiện bên nhau phết.
Trong số nhiều ngành của trường đại học Brown, Châu chọn Khoa học Máy tính và Kinh tế. Cậu chia sẻ: “Hai ngành học này không có sự đối lập mà có điểm giao nhau là toán học (lại Toán học nhé) và tư duy về kinh tế. Nó sẽ hỗ trợ, giúp ích cho nhau”.
Chính niềm say mê Toán học và suy nghĩ “chủ động tìm cơ hội rèn luyện sẽ có trách nhiệm với thành công của bản thân hơn” đã thôi thúc chàng trai này thử sức từ những bài toán trong chương trình học đến những dạng toán trên các trang mạng, diễn đàn của "thế giới" internet.
Vậy là, a lê hấp, anh chàng lên mạng, "mò" vào iTunes U, MIT Opencourseware, tìm kiếm những bài giảng của các trường đại học hàng đầu nước Mỹ.
Chưa hết, "chàng trai tò mò" còn tự tìm hiểu các khóa học trình độ đại học như: Multivariable Calculus, Linear Algebra… Để làm gì nhỉ? Nhiều người tự hỏi. Câu trả lời là THÍCH – ĐAM MÊ – TÍCH LŨY, vậy thôi. 
Cậu học trò mê toán này còn tìm và đăng kí tham dự nhiều cuộc thi Toán học. Từ những cuộc thi quen thuộc với học sinh "ăn Hình học, ngủ Đại số" như Olympic Toán học Hà Nội mở rộng được tổ chức hằng năm, cho đến những nơi xa hơn ở Singapore, Mỹ…, Châu đều ghé qua tham dự.
Trần Hải Châu được tám trường đại học Mỹ mời.
Và thành công đã mỉm cười với ĐAM MÊ – TÍCH LŨY bấy lâu này của nam sinh mê Toán. Thành tích: đoạt giải nhất Olympic Toán học Hà Nội mở rộng; Huy chương vàng Olympic Toán Singapore mở rộng; Giải ba kì thi Toán học các vùng Mỹ (đội khách mời)… 
Thành tích (tiếp): Ba năm cấp ba học lực giỏi. Lớp 10: điểm tổng kết 8,6. Lớp 11 và 12: 9,0. Đạt điểm tuyệt đối 2400/2400 trong kỳ thi SAT II (kỳ thi sát hạch kiến thức ba môn cơ bản: vật lý, toán I và toán II để lấy cơ sở xét vào đại học của Mỹ)…
Và tương lai sinh viên ở Mỹ nữa chứ, để "hồi sau liệt kê tiếp"…
Đương đầu với thử thách
Ngay khi nhận tin trúng tuyển Đại học Brown, Châu đã bắt đầu xây dựng những dự định mới bên "trời tây": Cố gắng học tập; tham gia những hoạt động ngoại khóa; gia nhập câu lạc bộ, hay chương trình nghiên cứu khoa học trong trường để rèn luyện và học hỏi từ các giáo sư…

Những thành tích khá ấn tượng đã đưa Châu đến với quyền lựa chọn một trong tám trường đại học ở Mỹ. Nói chuyện với chàng trai 18 tuổi này, người ta thấy sự chững chạc, chín chắn. Có người đoán luôn: chắc được bồi đắp từ trải nghiệm trong nhiều công việc.

Ngoài những hoạt động tập thể trường lớp, chàng trai 9x còn lên những kế hoạch hoạt động cho riêng mình, nhằm “sớm biết đương đầu với thử thách; tập giám làm giám chịu”. Ấy là Châu bảo thế!
Ngay từ những ngày đầu mới vào trường THPT Hà Nội – Amsterdam, Châu cùng một số bạn lập cửa hàng sách trực tuyến, thư viện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Làm được điều này không phải dễ! Nhớ lại mà xem…
Bao lần, Châu cùng cả nhóm họp lên bàn xuống chuyện thiết kế trang web để "đưa sách vào cuộc sống". Rồi việc tìm nguồn sách, đầu sách, tiền mua sách… Cả những lần "quay đều những vòng xe" đạp trên nhiều ngả đường Hà Nội giao sách tận nơi cho khách…
Những đồng lãi kiếm được (dù chẳng đáng là bao) từ cửa hàng, cả nhóm dùng một phần thành lập thư viện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Phần còn lại của lợi nhuận họ đóng góp cho Hội chữ thập đỏ Hà Nội.
Lời lớn nhất mà "những ông chủ trẻ" này thu được là những kĩ năng lập trình web, kinh nghiệm bán hàng, khả năng phối hợp, làm việc nhóm. Và hơn cả là trách nhiệm với bản thân, cuộc sống.
Nói về thiết kế web, lại nhớ chuyện “tay nghề" trong lập trình web của Hải Châu. Nào là phát triển mã nguồn các trang web (cổng thông tin, diễn đàn, thương mại điện tử…); kỹ năng PHP, MySQL…; làm phim hỗ trợ việc dạy học ở trường, tham gia các cuộc thi phim, chàng trai này đều từng thử cả.
Châu đã đạt giải trong Hội chợ ứng dụng tin học trong giảng dạy thành phố với bộ phim về Lý Nam Đế và nước Vạn Xuân
Không chỉ vậy, "cây" Toán còn “sắm” vai trò nữa – gia sư. “Việc dạy gia sư cũng giúp mình suy nghĩ về các môn học theo một góc nhìn khác. Các em học sinh cũng đã dạy cho mình rất nhiều bài học”.
Trong vòng nửa năm, Châu dạy toán cho một số em học sinh tiểu học và giúp các em vào được lớp chuyên toán của các trường THCS ở Hà Nội.
Ngoài ra, Hải Châu còn tham gia hướng dẫn các tour du lịch của khách nước ngoài tới Hà Nội cho tổ chức Hanoi Guide. Không ít lần, các vị khách tham quan trầm trồ trước những thông tin về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cũng như thói quen sinh hoạt của người Hà Nội mà chàng trai trẻ cung cấp.
Và những ngày này, khi nhiều bạn học sinh cuối cấp ba đang vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh đại học, thì Hải Châu hoàn thành thủ tục hành chính để du học.
Tháng 9 này, đại học Brown của Mỹ sẽ có thêm một du học sinh Việt Nam – Trần Hải Châu – người được tám trường Đại học Mỹ trao học bổng…
Muốn du học, lập kế hoạch đi bạn!
“Để săn được học bổng của các trường đại học ở Mỹ, cần có sự chuẩn bị tương đối dài hơi. Bắt đầu từ các kì thi chuẩn hóa, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, sau đó là viết luận. Song song với các việc ấy cũng phải luôn giữ được điểm cao trên lớp” – Châu chia sẻ.
"Điều đầu tiên cho mỗi thành công là phải tập xác định tự thân vận động và chủ động. Nhất thiết phải có những kế hoạch cụ thể phân chia thời gian cho mỗi công việc".
“Minh lên và thực hiện theo kế hoạch từng tuần một. Cứ nối tiếp, hết mỗi tuần lại suy nghĩ xem trong tuần tới mình ưu tiên hay phải hoàn thành việc gì trước. Từ đó, sắp xếp công việc theo lịch trình và hướng thực hiện cho phù hợp”.
"Mình tìm hiểu thông tin về điều kiện dự tuyển và chương trình đào tạo của các trường bên Mỹ, phù hợp với năng lực bản thân. Mình tìm đến trang web của tổ chức VietAbroader – Tổ chức phi lợi nhuận cung cấp thông tin, tư vấn về du học Mỹ ở Việt Nam. Qua đó, liên hệ với các anh chị du học sinh bên Mỹ tìm hiểu".
"Trước khi đặt bút làm hồ, nên tự tóm tắt và miêu tả về năng lực, hướng quan tâm của bản thân bằng. Trong hồ sơ giới thiệu, nên nêu những thế mạnh, nổi trội của bản thân. Không nên liệt kê quá nhiều mà chỉ cần tập trung những điểm vượt trội thành tích đạt được trong học tập và năng lực bản thân. Những thông tin nổi bật, ngắn gọn sẽ tạo ấn tượng nhanh và mạnh hơn đối với người xem".
"Yếu tố có tính quyết định thành công là tiếng Anh. Ngay từ những ngày đầu cấp ba, để học tốt tiếng Anh, ngoài những bài học trên lớp, mình còn tìm đọc bài viết ở nhiều thể loại trên sách báo tiếng Anh. Sử dụng mạng internet để tìm kiếm và tham gia chương trình dạy ngoại ngữ".
"Mình chuẩn bị những kĩ năng sống tự lập phù hợp với phông văn hóa, ứng xử của người bản địa dự định đến học; thích nghi nhanh với môi trường sống và học tập mới".
Mai Xuân Tùng / Tien Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)