Hội nhậpThế giới 24h

Châu Phi bất ổn, EU bất an

Tạp Chí Giáo Dục

Một nhóm sĩ quan cấp cao ở Gabon tuyên bố nắm quyền hôm 30-8, sau khi cơ quan bầu cử của quốc gia giàu dầu mỏ này thông báo Tổng thống Ali Bongo Ondimba tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3.

Nhóm này cho biết kết quả bầu cử đã bị hủy bỏ, mọi biên giới đều bị đóng cửa cho đến khi có thông báo mới và các cơ quan nhà nước bị giải thể. Theo Reuters, nếu phe đảo chính Gabon thành công lần này, đây có thể là cuộc chính biến thứ 8 ở Tây và Trung Phi kể từ năm 2020. 

Các cuộc đảo chính ở Mali, Guinea, Burkina Faso, Chad và gần đây nhất là ở Niger đã làm suy yếu tiến bộ dân chủ ở khu vực này trong những năm qua.

Ông Ovigwe Eguegu, nhà phân tích an ninh tại tổ chức tư vấn an ninh Afripolitika (Nigeria), nhận định sự kiện ở Gabon không giống những cuộc đảo chính từng thấy ở Tây Phi. Tình hình ở Gabon chuyển biến bất ngờ nhưng ở một mức độ nào đó lại không thực sự đáng ngạc nhiên. 

Nhìn lại cuộc bầu cử năm 2016, sau khi kết quả ông Ali Bongo tái đắc cử được công bố, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở thủ đô. Theo ông Eguegu, đến năm 2019, phe đảo chính cáo buộc có điều bất thường trong cuộc bầu cử và cho rằng kết quả không đại diện cho ý chí người dân. Cuộc đảo chính khi đó nhanh chóng bị dập tắt. 

Ông Eguegu gút lại rằng trong khi những cuộc đảo chính khác thiên về an ninh và quản trị thì đảo chính ở Gabon đặc biệt liên quan đến tiến trình bầu cử.

Châu Phi bất ổn, EU bất an - Ảnh 1.

Nhiều người dân ăn mừng sau khi quân đội tuyên bố nắm quyền ở Gabon hôm 30-8. Ảnh: Reuters

Phản ứng sau cuộc binh biến ở Gabon, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết Paris đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các bên ở Gabon bảo đảm an toàn cho Tổng thống Ali Bongo Ondimba, đồng thời duy trì hòa bình và ổn định quốc gia, hành động dựa trên lợi ích cơ bản của đất nước và người dân.

Đại diện Cấp cao về Chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, cho biết các bộ trưởng quốc phòng EU sẽ thảo luận về tình hình ở Gabon.

Ông Borrell cảnh báo đây là một vấn đề lớn đối với cả châu Âu và "chắc chắn các bộ trưởng EU phải suy nghĩ sâu sắc về việc điều chỉnh chính sách đối với các quốc gia này".

Gabon, nơi từng là thuộc địa của Pháp, duy trì mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với Paris. Theo tờ Financial Times, Gabon là thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản xuất khoảng 200.000 thùng mỗi ngày, tương đương 0,2% nguồn cung toàn cầu. Nước này cũng xuất khẩu gỗ, mangan và uranium.

Mặc dù Gabon là một trong những nhà sản xuất dầu nhỏ nhất trong OPEC nhưng bất kỳ nguy cơ giảm thêm nguồn cung nào cũng khiến thị trường dầu quốc tế biến động. Điều này một phần là do việc cắt giảm sản lượng trước đó của liên minh giữa OPEC và các nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+). 

Theo trang phân tích GIS Reports, việc châu Âu muốn thoát phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga đã mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất khí đốt của châu Phi. Hiện nay, châu Phi chiếm khoảng 20% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu và tỉ lệ này có thể tăng lên. 

Tuy nhiên, theo Euronews, Nga cũng tận dụng các mối quan hệ ở châu Phi để giành chỗ đứng. Hiện Nga đã trở thành nhà cung cấp thực phẩm đáng tin cậy cho châu lục này.

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)