Khuya 7-9-2017, vụ cháy kho vải tại căn nhà số 9, đường 10A (KP.3, Phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) xảy ra khiến sàn tầng 1 đổ sập làm cho 1 chiến sĩ hy sinh và 2 chiến sĩ khác bị thương nặng. Trước đó, trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa vào trưa ngày 4-9 cũng bất ngờ xảy ra hỏa hoạn kinh hoàng tại cơ sở vải vụn rộng 700m2 ở địa chỉ 685 Quốc lộ 1A.
Hiện trường vụ hỏa hoạn khuya 7-9-2017 tại kho vải trên đường 10A, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân |
Nhà không vách, kết cấu sàn tầng 1 bằng lưới B40
Theo lời kể của nhân chứng Nguyễn Thùy Vân (chủ căn biệt thự liền kề bên trái kho vải) thì khi gia đình bà đang chuẩn bị đi ngủ, bỗng nghe thấy mùi khét dữ dội. Tìm khắp trong nhà không thấy có gì bất thường, nên chồng bà Vân mở cửa ban công và bất ngờ phát hiện kho vải bên cạnh (chứa hơn 5 tấn quần áo cũ) đang phát hỏa, khói lửa bốc lên nghi ngút. Trong lúc hoảng hốt, vợ chồng bà Vân vội vã sơ tán 3 đứa con nhỏ cùng người mẹ già cùng 2 xe ô tô, một số xe máy ra khỏi nhà.
Lúc này 2 công nhân của kho vải đang tự xịt nước dập lửa từ bên ngoài, bà Vân đã thúc giục họ hô hoán nhờ sự trợ giúp từ các nhà hàng xóm và lập tức gọi 114. Sau đó, khoảng 100 chiến sĩ cảnh sát PCCC quận Bình Tân, CS PCCC huyện Bình Chánh, Đội PCCC Khu công nghiệp Vĩnh Lộc cùng 15 xe chữa cháy đã kịp thời tiếp cận hiện trường và nỗ lực vào cuộc. Đến khoảng 2h30 sáng 8-9, đám cháy đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên điều đáng tiếc là trong lúc triển khai thang số 3 lên tầng một của căn nhà để phá cửa dập lửa thì bất ngờ sàn nhà đổ sập làm cho thượng úy Phạm Phi Long (31 tuổi) tử vong tại chỗ, hạ sĩ Bùi Văn Dũng (20 tuổi) và hạ sĩ Phạm Tấn Quốc (24 tuổi) bị thương nặng. Được biết, các chiến sĩ bị thương vong đều thuộc Đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 2 (Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân).
Theo quan sát của kỹ sư xây dựng P.V.T (một trong số những người chứng kiến hiện trường vụ cháy), toàn bộ kho chứa vải với tổng diện tích khoảng 500m2 đã bị thiêu rụi. Nhà kho được xây dựng khoảng 8 tháng nay nhưng có kết cấu sơ sài, sàn bê tông nhưng cốt bằng lưới B40, không xây tường nhà mà chỉ dựa vào tường của nhà hàng xóm. Theo người kỹ sư này, do kết cấu của căn nhà quá yếu, sàn bê tông được đúc sơ sài không chịu được nhiệt độ cao nên mới gây sập toàn bộ căn nhà. Cũng theo lời kể của bà Vân, vì kho vải không có tường nên lửa cháy ở kho vải khiến bức tường nhà bà bị cháy đỏ rực, nứt toác, hư hỏng nặng; đường dây điện cũng bị cháy nổ không còn sử dụng được.
Trong 4 ngày xảy ra 2 vụ cháy kho vải
Trước khi xảy ra vụ cháy kho vải ở đường số 10A, trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa vào trưa 4-9 cũng bất ngờ xảy ra hỏa hoạn kinh hoàng tại cơ sở vải vụn rộng 700m2 ở địa chỉ 685 Quốc lộ 1A. Khi phát hiện có cháy lớn, người dân xung quanh đã nỗ lực chữa cháy và nhanh chóng báo cho lực lượng cứu hỏa trên địa bàn. Sau khoảng 2 giờ dập lửa, lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy, bảo vệ nhiều kho vải liền kề. Được biết hỏa hoạn xảy ra khi công nhân đang nghỉ lễ 2-9 nên không có thương vong về người. Nguyên nhân của cả hai vụ cháy kho vải trên phường Bình Hưng Hòa đang được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ.
Theo Cục Cảnh sát PCCC, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy lớn như do báo cháy chậm, hàng hóa xếp quá nhiều không có khoảng cách ngăn cháy, thiếu trang bị các biện pháp PCCC… Thực tế có một số cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn PCCC như không có các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, chống sụp đổ công trình gây khó khăn cho công tác cứu hỏa.
Do đó, nhằm ngăn chặn hỏa hoạn, Cục Cảnh sát PCCC khuyến cáo chủ đầu tư và các cơ sở, doanh nghiệp phải tính đến các giải pháp ngăn cháy, tạo khoảng cách an toàn PCCC giữa các khu dân cư, giữa các nhà xưởng sản xuất, giữa các công trình có nguy cơ cháy, nổ cao đến các công trình xung quanh và nhà dân. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nên sử dựng vật liệu không cháy hoặc khó cháy, không nên dùng vật liệu dễ cháy làm trần, ốp trần… Đối với các công trình đã xây dựng trước đây, cần phải có giải pháp gia tăng khả năng chịu lửa của vật liệu xây dựng như sơn chống cháy, ốp các cấu kiện sắt thép bằng bê tông, gạch cát. Trong trường hợp nhất thiết phải sử dụng vật liệu dễ cháy, thì phải có biện pháp xử lý chống cháy cho các vật liệu đó như ngâm tẩm chất chống cháy.
Theo Ông Bùi Quang Việt (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ), trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 2.364 vụ cháy, tăng 858 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, theo ông Việt, các cơ sở cần xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, có kiến thức nhất định về PCCC và sử dụng thành thạo các trang thiết bị được trang bị tại cơ sở. Điểm đặc biệt quan trọng nữa là cần xây dựng hệ thống báo cháy tự động, có kết nối với trung tâm cảnh báo chung của cơ quan cảnh sát PCCC, để phòng trường hợp khi xảy ra hỏa hoạn, thì lực lượng chức năng có thể ứng cứu một cách nhanh chóng và kịp thời.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)