Một số người có học hàm, học vị cao, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi muốn trở thành công chức, viên chức tại TPHCM thì bị từ chối, còn bộ máy nhà nước thì luôn luôn thiếu chuyên gia giỏi, phải đi thuê người nước ngoài, Việt kiều với đồng lương cao ngất.
Nghịch lý này xuất phát từ quy định tuyển dụng có từ thời … bao cấp. Đó là yêu cầu “phải có hộ khẩu”.
Nhà nước “chê”, tư nhân đãi ngộ
5 năm du học tại Australia với chuyên ngành công nghệ thông tin, anh Hưng (30 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) trở về nước và quyết định lập nghiệp ở TPHCM. Anh nộp đơn xin thi tuyển công chức với nguyện vọng được làm việc tại Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao nhưng không được chấp nhận. “Tôi bị rớt từ vòng gửi xe. Người ta nói bằng cấp của tôi rất OK. Lĩnh vực công nghệ thông tin thành phố đang cần nhưng tôi không có hộ khẩu TPHCM nên không hội đủ tiêu chuẩn tuyển dụng”, anh Hưng buồn bã.
“Tại sao mại dâm, trộm cướp, ma túy vào các anh không quản lý hộ khẩu, không yêu cầu hộ khẩu mà những chuyên gia giỏi lại bắt hộ khẩu”. Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng |
Chị Nhung (28 tuổi), thạc sỹ chuyên ngành công nghiệp thực phẩm nộp đơn thi tuyển công chức cũng bị đánh rớt từ “vòng gửi xe” vì hộ khẩu của cô ở tỉnh Bến Tre. Khôi hài ở chỗ cả hai trường hợp trên được các công ty nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân đón nhận và có nhiều chính sách đãi ngộ xứng đáng.
Anh Hưng được một công ty sản xuất trò chơi điện tử mời về làm việc với mức lương khởi điểm 500 USD/tháng. Sau gần ba năm làm việc, anh được đề bạt làm trưởng phòng, được trả mức lương gần 4.000 USD/tháng cùng nhiều chính sách đãi ngộ khác. Anh Hưng tâm sự: “Gia đình tôi có điều kiện kinh tế. Về nước, tôi có nhiều kế hoạch cho tương lai và mục tiêu xin thi tuyển công chức là muốn cuộc sống ổn định, có một việc làm và chỗ đứng trong xã hội để phục vụ đất nước chứ không phải kiếm tiền. Tiếc là mọi việc không theo dự liệu của mình”.
Còn chị Nhung sau một thời gian được một công ty sản xuất sữa tuyển dụng và hiện đang được trả lương 20 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp, thưởng… mức thu nhập mà cán bộ công chức nhà nước không dám mơ. Làm việc với Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng mới đây, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Dũng kiến nghị TPHCM bỏ quy định về hộ khẩu trong tuyển dụng công chức, viên chức, người lao động và không có sự phân biệt về người có và không có hộ khẩu.
“TPHCM đã có chính sách mời gọi Việt kiều về nước để tham gia đóng góp với mức lương cao, thậm chí trả mức lương rất cao để thuê chuyên gia nước ngoài, hà cớ gì chuyên gia, nhà khoa học giỏi trong cùng đất nước mà chúng ta lại đưa ra chính sách hộ khẩu để xét duyệt”, ông Dũng chất vấn.
Sính ngoại?
Ông Đinh La Thăng cho biết hiện tại TPHCM đang thiếu giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở, nhất là giáo viên công nghệ thông tin, thể dục, nhạc, họa, múa… Do vướng quy định hộ khẩu nên hầu hết các trường tuyển không đủ giáo viên.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, thành phố có cơ chế đặc thù trong việc tuyển chuyên gia. Vừa qua ông Liêm đã ký một số văn bản cho phép trả lương cho các chuyên gia Việt kiều với mức lương 150 triệu đồng/tháng. Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho biết Sở Nội vụ cũng đang đề xuất sửa đổi một số vướng mắc về tuyển dụng công chức viên chức liên quan đến quy định về hộ khẩu.
Chính sách hộ khẩu trong tuyển dụng có vấn đề “lịch sử” khi mục đích trước đây đặt ra làm nhằm hạn chế làn sóng nhập cư vào các thành phố lớn. Gần đây TPHCM đã có nhiều chính sách nới lỏng, cụ thể là tuyển chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều, với mức lương tối đa lên đến 150 triệu đồng/tháng. Một số lĩnh vực cho phép tuyển dụng các chuyên gia, nhà khoa học trong nước tốt nghiệp đại học loại giỏi, thạc sĩ loại khá và tiến sĩ trẻ mà không cần có hộ khẩu TPHCM.
Ngày 23/2, làm việc với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, lãnh đạo Sở Giáo dục tiếp tục lên tiếng về bất cập này. Đó là sẵn sàng đãi ngộ, trả lương rất hào phóng cho giáo viên tiếng Anh nước ngoài, trong khi lại hà khắc với giáo viên trong nước, dù trình độ tương đương, thậm chí trong nước nhỉnh hơn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện nay, giáo viên tiếng Anh người Philippines được trả lương 2.000 USD/tháng, còn giáo viên của trường thì trả thấp hơn nhiều lần vì vướng quy định về bậc lương, dù nhiều giáo viên có chất lượng ngang bằng và hơn cả giáo viên Philippines.
Với bậc tiểu học, từ 20 năm trước TPHCM đã có tiếng Anh tăng cường. Các giáo viên được tuyển từ Hội đồng Anh có chất lượng tốt, nhà trường dành 80% học phí tiếng Anh để trả lương nên các giáo viên rất thích, dạy rất tốt.
“Gần đây có quy định giáo viên tiểu học phải dạy đủ 23 tiết của tất cả các môn, sau đó mới được trả thêm thù lao. Giáo viên tiếng Anh nản quá, bỏ nghề rất nhiều”, ông Hiếu nói. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhận xét: “Trả cho Tây được mà trả cho ta không được, như vậy là vô lý, khác nào chảy máu ngoại tệ”.
Bỏ tiêu chuẩn tuyển sinh lấy hộ khẩu
“Phải bỏ ngay tiêu chuẩn tuyển sinh lấy hộ khẩu thành phố, mình chọn người giỏi ở cả nước thì chất lượng sinh viên mới tốt lên. Nếu có hộ khẩu thành phố mà học yếu thì có thể theo học những ngành nghề khác chứ không thể vừa học kém mà vẫn được ưu tiên”- Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nói trong buổi làm việc với trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc mới đây. Theo ông Thăng các trường phải đổi mới cơ chế quản lý, phân quyền phân cấp một cách triệt để tự chủ cho trường một cách toàn diện. "Quyết định trước đây phù hợp với điều kiện lịch sử trước đó nhưng nay đã hội nhập rồi thì bỏ ngay tiêu chí hộ khẩu”, ông Thăng nói.
Nguyễn Dũng
Huy Thịnh (TPO)
Bình luận (0)