Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chảy máu mũi, đừng quá lo

Tạp Chí Giáo Dục

Do mũi nằm ngay giữa mặt và có rất nhiều mạch máu nên chúng ta đều ít nhất từng có một lần trong đời bị chảy máu mũi vì nhiều lý do. Chảy máu mũi có thể gây sợ hãi và gây ấn tượng mạnh.

Khói thuốc có thể khiến người hút bị chảy máu mũi do gây khô và kích thích niêm mạc mũi – Ảnh: Hữu Khoa

Nhưng may mắn là hầu hết trường hợp chảy máu mũi đều không nguy hiểm, không đe dọa tính mạng và có thể dễ dàng kiểm soát.

Những nguyên nhân thường gặp:
1. Chảy máu mũi trước:
– Thói quen xì mũi quá mạnh và thường xuyên.
– Thói quen ngoáy mũi.
– Chấn thương mũi do va đập.
– Viêm mũi xoang.
– Cảm cúm.
– Vẹo vách ngăn mũi.
– Khí hậu khô và nóng.
– Độ cao: càng lên cao không khí càng loãng và khô làm niêm mạc mũi trở nên dễ tổn thương gây chảy máu mũi.
– Viêm mũi dị ứng.
– Do hậu quả của một số loại thuốc điều trị bệnh khác như thuốc chống đông máu hoặc các thuốc chống viêm non-steroides.
– Bệnh gan: có thể gây tổn thương các yếu tố giúp đông máu, do đó gây chảy máu mũi nặng và thường xuyên.
– Hít heroine hoặc các thứ ma túy khác.
2. Chảy máu mũi sau:
– Cao huyết áp.
– Tai biến trong các phẫu thuật mũi.
– Thiếu canxi (canxi là một yếu tố cần thiết trong cơ chế chống chảy máu).
– Hít phải hóa chất gây kích thích mạnh màng nhầy mũi như hơi xăng, hóa chất tẩy rửa…
– Các bệnh về máu như ung thư máu (leukemia) hoặc haemophilia.
– Các khối u trong mũi xoang.
Triệu chứng và cách xử lý
Chảy máu mũi thường chỉ bị một bên mũi và máu sẽ chảy ra ngoài có thể ít hoặc nhiều. Trường hợp chảy máu nhiều thì máu có thể tràn sang mũi bên kia và ta thấy chảy máu mũi ở cả hai bên. Máu cũng có thể chảy xuống họng hoặc bị nuốt xuống dạ dày, khi đó bệnh nhân sẽ có dấu hiệu khạc ra máu hoặc nôn ra máu.
Nếu bị chảy máu mũi nhiều, người bệnh sẽ có các dấu hiệu của mất máu cấp như choáng váng, hoa mắt, rối loạn nhịp tim, thở nhanh, nhợt nhạt, ngất (tuy nhiên chảy máu mũi thường hiếm khi gây ra mất nhiều máu đến vậy).
* Khi bị chảy máu mũi, cần:
– Giữ bình tĩnh.
– Ngồi xuống và ngả đầu về phía trước. Tư thế ngồi thì đầu sẽ cao hơn tim và do đó áp suất máu vùng mũi sẽ giảm bớt, giúp giảm chảy máu. Không ngả đầu ra sau để tránh máu chảy vào các xoang hoặc chảy xuống họng.
– Dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt mũi từ 10-20 phút để cầm máu, thở bằng miệng. Nếu sau 20 phút máu vẫn chảy thì nên đến ngay bệnh viện!
– Khạc máu khỏi họng nếu có vì nuốt máu sẽ gây nôn ói sau đó.
* Sau khi ngưng chảy máu mũi:
– Cố gắng không gây kích thích mũi (như hắt hơi hoặc xì mũi) trong ít nhất 24 giờ.
– Bảo đảm không khí đủ độ ẩm, nhất là nơi có khí hậu nóng và khô. Có thể sử dụng máy phun sương hoặc đơn giản chỉ cần đặt trong phòng một nồi nước to.
Nên đến bác sĩ nếu chảy máu mũi thường xuyên, hoặc có kèm chấn thương đầu, hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu, hoặc sau khi tự xử lý như trên mà máu vẫn chảy. Tùy trường hợp cụ thể bác sĩ có thể cho làm xét nghiệm máu, chụp X-quang, kiểm tra huyết áp, điện tim… để xác định nguyên nhân và cách xử lý.
Bạn có thể phòng ngừa chảy máu mũi bằng những thói quen đơn giản như không ngoáy mũi, nếu ở nơi khô và nóng thì uống đủ nước và tạo độ ẩm không khí trong phòng, cũng có thể bôi vaseline vào hốc mũi để giữ ẩm, tránh xì mũi quá mạnh hoặc quá thường xuyên. Trường hợp chảy máu mũi liên quan đến bệnh lý khác như bệnh gan, viêm mũi xoang, bệnh huyết học, ung bướu… phải tuân thủ đúng các chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Một hành động quan trọng khác có thể giúp ngăn ngừa chảy máu mũi chính là ngưng hút thuốc vì khói thuốc gây khô và kích thích niêm mạc mũi…
Trẻ em thường chảy máu mũi trước
Tùy thuộc vị trí bị chảy máu, người ta chia chảy máu mũi làm hai loại: chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau.
– Chảy máu mũi trước: chiếm hơn 90% trường hợp, gần như tất cả trường hợp chảy máu mũi ở trẻ em thuộc loại này. Điểm chảy máu là nơi hội tụ các mạch máu nhỏ ở phần trước – dưới của vách ngăn mũi. Loại chảy máu mũi này có thể dễ dàng xử lý ngay tại nhà.
– Chảy máu mũi sau: ít gặp hơn loại trên nhiều, thường thấy ở người lớn. Các vị trí chảy máu nằm ở những nơi cao hơn và sâu phía sau của hốc mũi hơn. Loại chảy máu mũi này gây biến chứng nhiều hơn và thường phải được bác sĩ tai mũi họng xử lý tại bệnh viện.
BS PHAN QUỐC BẢO
(Cơ sở 2 ĐH Y dược TP.HCM)
Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)