Liên quan đến vấn đề hàng loạt xe máy của hãng Honda bỗng dưng bốc cháy và nổ, gây chết người trong thời gian qua khiến dư luận rất hoang mang, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết, Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định rất rõ các sản phẩm hàng hóa phải có lời cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, trong đó có việc cháy nổ.
|
Hiện trường vụ cháy xe Honda AirBlade ngày 11/12. |
“Việc cháy xe, nổ xe cần phải được làm rõ nguyên nhân chứ không thể im lặng, bởi việc này liên quan tới an toàn, sức khỏe của hàng chục triệu người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy” – Luật sư Hậu khẳng định.
Trong khi đó, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn – Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định rất rõ ràng nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm (biết trước hoặc không biết trước) bán ra thị trường đem lại thiệt hại về sức khỏe, tinh thần cho người sử dụng.
Nếu kết luận cuối cùng cho rằng các vụ cháy, nổ liên quan tới xe Honda vừa qua có liên quan tới lỗi kỹ thuật của xe thì chắc chắn họ phải có động thái tích cực theo đúng quy định”, ông Tuấn nói.
Cũng theo lời ông Tuấn thì hội cũng đã có văn bản yêu cầu Honda sớm vào cuộc với tinh thần thiện chí trong vụ việc này.
Sẽ rà soát lại dây chuyền sản xuất, lắp ráp xe máy
Trong cuộc trao đổi với báo chí vào ngày 11/12, ông Trịnh Ngọc Giao – Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, ông nắm được những lo lắng của người dân khi thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy xe, đặc biệt là vụ nổ xe chưa từng có khiến một sản phụ tử nạn và cháu gái 4 tuổi chấn thương nặng. Do đó, trong thời gian tới Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiến hành ra soát lại dây chuyền sản xuất, lắp ráp xe máy trong nước.
Ông Giao cũng cho biết thêm, đối với dòng xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ giám sát doanh nghiệp thực hiện đúng theo mẫu xe và thiết kế kỹ thuật, kiểu dáng đã đăng ký trước đó.
Theo đó, với một doanh nghiệp mới được cấp phép đăng ký sản xuất, lắp ráp xe máy, Cục Đăng kiểm cũng chỉ giám sát dây chuyền của họ sản xuất đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật 500 xe máy đầu tiên. Sau đó khi sản xuất thêm một dòng xe nào mới, họ phải gửi hồ sơ kỹ thuật, mẫu xe lắp ráp tới Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Sau khi thẩm định kỹ lưỡng và thấy rằng mẫu xe được lắp ráp, sản xuất đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về an toàn, khí thải, cháy nổ… thì mới được cấp giấy phép.
“Doanh nghiệp có trách nhiệm lưu chiếc xe máy mẫu này và sản xuất hàng loạt theo đúng các tiêu chí kỹ thuật đã được đăng ký thể hiện trên chiếc xe mẫu đã được cấp phép. Nếu chúng tôi kiểm tra thấy doanh nghiệp sản xuất và bán ra thị trường một chiếc xe nào đó không đúng theo chiếc xe mẫu thì họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, có thể thu hồi xe hàng loạt xe theo luật định”, ông Giao khẳng định.
Đôi khi, việc thợ đấu sai dây điện trên các xe máy họ sửa chữa, bảo hành thôi cũng có thể gây chập, cháy xe máy.
“Trên thế giới, một số nước ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành kiểm định định kỳ đối với xe máy nhưng Việt Nam chưa làm được điều này và khiến nhiều chiếc xe đã cũ mèm vẫn lưu thông trên đường”, ông Đức cho biết thêm.
Bình luận (0)