Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

‘Chạy nước rút’ giải ngân vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành giao thông vận tải đang nỗ lực bứt tốc để giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm nhằm đạt theo kế hoạch được Chính phủ giao.

Nhà thầu thi công Dự án Cao tốc Bắc-Nam đang gấp đẩy tiến độ nhằm đạt sản lượng giải ngân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhà thầu thi công Dự án Cao tốc Bắc-Nam đang gấp đẩy tiến độ nhằm đạt sản lượng giải ngân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với số vốn cần giải ngân lên tới gần 95.000 tỷ đồng trong năm nay, đến thời điểm này, hàng loạt các dự án trọng điểm của ngành Giao thông Vận tải đang được các Ban Quản lý dự án và nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ nhằm có sản lượng, để giải ngân “nước rút”.

Giải ngân lũy tiến từng tháng

Tính đến nay, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã giải ngân được hơn 74% kế hoạch điều chỉnh và đạt gần 78% so với kế hoạch vốn được giao ban đầu (9.100 tỷ đồng).

Là chủ đầu tư 2 dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long, dự án đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi đã giải ngân được gần 1.700 tỷ đồng, đạt hơn 74% kế hoạch; sản lượng giải ngân dự án Hàm Nghi-Vũng Áng đã được nâng lên 2.274 tỷ đồng, đạt gần 85% kế hoạch.

“Năm 2023, hai dự án thành phần do ban làm chủ đầu tư sẽ giải ngân hết số vốn được giao từ Bộ Giao thông Vận tải. Tổng thể các dự án giao thông được giao và bố trí vốn, dự kiến kết thúc năm 2023, đơn vị sẽ giải ngân được khoảng 97% kế hoạch vốn điều chỉnh,” lãnh đạo Quản lý dự án Thăng Long nhấn mạnh.

Phụ trách hai dự án thành phần cao tốc trọng điểm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết dự án Cao tốc Hậu Giang-Cà Mau với các phương án tăng ca, bổ sung huy động thêm nhân sự, thiết bị, sản lượng thực tế đến nay đạt khoảng 897 tỷ đồng (vượt 140% kế hoạch). Hiện, giá trị giải ngân đạt khoảng 2.445 tỷ đồng (gồm thanh toán 436 tỷ đồng và tạm ứng 2.319 tỷ đồng).

Dự án Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang theo kế hoạch giá trị sản lượng thi công cầu trên tuyến ước đạt 500 tỷ, nhưng với sự tăng tốc của nhà thầu, sản lượng thi công thực tế đạt khoảng 770 tỷ đồng (vượt 150% kế hoạch).

Nhằm đảm bảo sản lượng giải ngân tại mỗi dự án luỹ tiến hàng tháng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng đưa ra các giải pháp khác như theo dõi, đôn đốc địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn giải phóng mặt bằng; đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh công tác nội nghiệp, nghiệm thu và thanh toán (2 lần/1 tháng),…

“Căn cứ tình hình thực tế, dự kiến năm 2023, giá trị giải ngân tại 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Cà Mau đạt 100% theo kế hoạch (thanh toán và tạm ứng hợp đồng). Để đạt được những kết quả ấy, dự án rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về nguồn vật liệu cát đắp từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long; giải quyết triệt để các vị trí vướng mặt bằng còn lại đặc biệt là các vị trí thi công cầu; di dời toàn bộ hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là các đường dây điện cao thế,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nhấn mạnh.

‘Chay nuoc rut’ giai ngan von dau tu cac du an giao thong trong diem hinh anh 1
Thi công một hạng mục cầu tại Dự án Cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đảm nhận thi công Gói thầu XL1 dự án Cao tốc Bùng-Vạn Ninh, đại diện Ban điều hành gói thầu thuộc Tập đoàn Cienco 4 cho biết trong thời gian từ tháng 9-10 vừa qua, mưa lớn và liên tục cũng đã ảnh hưởng đến việc thi công. Tuy nhiện, Cienco 4 vẫn đang nỗ lực duy trì 22 mũi thi công như thời điểm trước mưa, tập trung các mũi thi công cầu, đúc sẵn kết cấu bê tông và các hạng mục móng đường khi điều kiện thời tiết thuận lợi.

“Nếu 3 tháng trước mùa mưa, giá trị thi công sản lượng trung bình của Cienco 4 là 35-40 tỷ/tháng thì trong mùa mưa sản lượng vẫn được duy trì ở mức trung bình từ 25-30 tỷ/tháng,” đại diện Ban điều hành Gói thầu XL1 Cao tốc Bùng-Vạn Ninh so sánh.

Thay đổi cách thức kế hoạch giao vốn

Đến hết tháng 10/2023, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy sản lượng giải ngân vốn đầu tư công của bộ đạt khoảng 63.500 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2,2 lần giá trị, tỷ lệ cao hơn 16%).

Đặc biệt, Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021 đã giải ngân gần 11.300 tỷ đồng (đạt 69%) và giai đoạn 2021-2025 giải ngân hơn 33.200 tỷ đồng (đạt 72%).

Trong đó, tỷ lệ giải ngân của Dự án Cao tốc Bãi Vọt-Hàm Nghi (74%), Bùng-Vạn Ninh (70%), Vạn Ninh-Cam Lộ (75%), Vân Phong-Nha Trang (73%), Hậu Giang-Cà Mau (77%), Hàm Nghi-Vũng Áng (66%), Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (69%), Hoài Nhơn-Quy Nhơn (66%), Quy Nhơn-Chí Thạnh (60%), Chí Thạnh-Vân Phong (64%).

Đặc biệt, hai dự án thành phần có tỷ lệ giải ngân cao nhất là đoạn Cần Thơ-Hậu Giang (91%), Vũng Áng-Bùng (86%).

Khẳng định đã thay đổi cách thức trong xây dựng kế hoạch giải ngân, theo ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), trước đây căn cứ tiến độ triển khai dự án để xây dựng kế hoạch giải ngân, tuy nhiên năm 2023 Bộ Giao thông Vận tải được giao lượng vốn lớn hơn nhu cầu đăng ký nên đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kết hoạch giải ngân trước làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công, biện pháp tổ chức thi công phù hợp bảo đảm giải ngân đúng kế hoạch đã xây dựng (bố trí nhiều mũi thi công; tập trung thi công cuốn chiếu, dứt điểm đối với những đoạn tuyến có điều kiện thuận lợi để hoàn thiện nền đường, các công trình trên tuyến và triển khai thi công ngay lớp móng, mặt đường nhằm tăng giá trị giải ngân…)

‘Chay nuoc rut’ giai ngan von dau tu cac du an giao thong trong diem hinh anh 2
Bộ Giao thông Vận tải đã đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kết hoạch giải ngân trước làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dẫn chứng, từ đầu năm tới nay, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 07 đợt cho 71 dự án, với giá trị vốn điều chỉnh 4.463 tỷ đồng, bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn vốn để thực hiện các dự án.

Trong các phương án điều hòa vốn vừa qua, các chủ đầu tư ưu tiên điều hòa cho các dự án quan trọng, cấp bách có khả năng giải ngân lớn như dự án Cao tốc Bắc-Nam, một số dự án cao tốc tuyến ngang và các dự án phải hoàn thành trong năm 2023.

Nhận thức được khối lượng công việc, giá trị phải giải ngân còn lại của năm kế hoạch 2023 còn rất lớn, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thường xuyên chủ trì họp hàng tuần và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công và coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đề nhiều giải pháp, yêu cầu các chủ đầu tư quán triệt, triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân như: thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu xây dựng; chỉ đạo đơn vị thi công tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công; nghiệm thu thanh toán ngay khi có khối lượng thi công hoàn thành; kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt, còn thiếu vốn theo quy định; cắt giảm, kiên quyết điều chỉnh khối lượng và xử lý ngay nhà thầu yếu kém…/.

Theo Việt Hùng/Vietnam+

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)