Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chạy trường – Bài II: Uổng công nối sợi dây dài

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếng lành đồn xa khiến nhiều phụ huynh nhiều tiền nhọc công tìm mối chạy trường nhưng khi chạy xong, một số phụ huynh lại phải tìm đường bỏ chạy…
Chạy vào rồi chạy ra
Do đặc trưng nghề nghiệp (hay phải đi công tác) và điều kiện kinh tế (thu nhập tốt), phần lớn phụ huynh là phi công hoặc tiếp viên hàng không đều quyết tâm tìm trường có tiếng cho con học.
Tuy nhiên, cũng chính trong giới tiếp viên và phi công, nhiều người đành ngậm đắng nuốt cay bởi đã quá tin vào cái danh “trường tốt”.
Nhiều tiếp viên biết chuyện cách đây mấy năm, anh T., một phi công chạy cho con vào được trường T, một trường ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm nhưng rồi phải xin ra.
Theo nhiều phụ huynh, chính nạn chạy trường đẩy khoảng cách giữa trường thường và trường điểm ngày một xa nhau trong khi thực chất hiệu quả hoạt động giáo dục giữa các trường đó tuy chênh nhau nhưng không nhiều như đồn thổi.
Lý do chỉ vì con anh T. được cô giáo “quá quan tâm”. Theo anh T., con anh là một đứa trẻ bình thường, có hiếu động nhưng không đến mức ngỗ ngược. Tuy nhiên, vợ anh thường xuyên nhận được điện thoại của cô giáo, mời đến nhà riêng trao đổi.
Lần đầu, vợ anh giật mình, tưởng có chuyện gì. Khi gặp cô giáo mới vỡ lẽ con mình chỉ có những sai phạm vặt vãnh mà trẻ con thường mắc phải, thậm chí cô giáo chỉ cần nhắc nhở trực tiếp với cháu. Thoạt tiên vợ anh cũng cảm động, cho rằng vì gia đình chu đáo với cô nên con mình được cô quan tâm.
Nhưng đến lần hai, rồi lần ba, lần bốn…, vợ anh bắt đầu có cảm giác cô giáo kiếm chuyện. Trong khi đó, mỗi lần đến nhà cô giáo, vợ anh đều phải chuẩn bị túi quà và phong bì. Hết năm học, anh quyết định xin cho con về học trường Ngọc Lâm (quận Long Biên), một trường tiểu học gần nhà.
Năm 2008, một tiếp viên của Vietnam Airline cũng quyết định bứng con mình ra khỏi trường tiểu học K khi cháu chỉ mới học lớp một ở trường này được vài tháng.
Trao đổi với Tiền Phong, tiếp viên này cho biết, chị vốn dĩ không thích con mình học trường công lập nhưng vì ông nội cháu (một cựu lãnh đạo Bộ GD&ĐT) muốn nên đành phải theo. Vào học được mấy tháng, kiểu thu tiền lắt nhắt và đủ các loại quỹ phụ huynh được đẻ ra khiến ngay cả bố chồng chị cũng thấy khó hiểu và mệt mỏi.
Còn cháu Th.A (tập thể ĐH Giao thông Vận tải), một cựu học sinh trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy) thì đang học dở lớp 7 phải chia tay bạn bè để về trường mới (một ngôi trường ở gần nhà). Kết quả học tập ở trường Lê Quý Đôn của Th.A cũng tương đối khá, nhưng đó là do nỗ lực của một quá trình học ngày học đêm, học thêm học chính liên miên.
Theo chị U., mẹ cháu Th.A., giáo viên trường Lê Quý Đôn đưa vào chương trình học chính khoá ở trường những bài tập có yêu cầu khá cao (đặc biệt là môn Toán) nên học sinh theo học được phải có tố chất đặc biệt về một số môn. Trong khi đó, chị muốn cho con mình được học toàn diện.
Nhiều phụ huynh ngậm đắng nuốt cay khi cho con em vào trường nổi tiếng
 Trường nổi tiếng, học sinh khổ
Chị H. nhờ có người nhà làm ở ngành toà án nên xin được một suất cho con vào học trường tiểu học N. Tuy nhiên, suốt một năm đầu chị căng thẳng vì mối quan hệ không mấy thân thiện giữa giáo viên với phụ huynh.
Mới vào lớp một được một thời gian, cô giáo gặp chị, phàn nàn hiệu quả học tập kém của con chị và gợi ý chị nên cho con đi học thêm (do chính cô dạy).
Theo một số phụ huynh, một nhược điểm hay gặp ở các trường điểm, là môi trường tập trung nhiều con em nhà quyền thế nên dễ tạo tâm lý đua đòi trong học sinh, nhất là với những lớp cuối cấp THCS.
Chị từ ngạc nhiên tới bất bình và quyết định không cho con đi học thêm. Mỗi ngày chị dành một tiếng đồng hồ để kèm con. Cháu tiến bộ trông thấy. Nhưng cô giáo vẫn không hài lòng. Mỗi lần giáp mặt chị, cô giáo lại kể một cái tội nào đó của con chị.
Có lần, cô giáo nói: “Các bạn trong lớp đều biết đọc báo hết rồi, mỗi T. (con chị H.) là chưa đọc được báo”. Chị hỏi lại: “Em tưởng là vào lớp một các cô mới bắt đầu dạy con học đánh vần, giờ cháu đọc được chữ to là đạt yêu cầu rồi, sao cô giáo muốn cháu phải đọc được báo nữa ạ?”.
Cũng may là cô giáo đó chỉ dạy con chị năm lớp một. Hiện tại, con chị đang học lớp ba. Các cô giáo về sau tuy không đến nỗi nào nhưng vẫn tổ chức dạy thêm tại nhà mà chị lại không cho con đi học thêm nên chị vẫn thấy mất tự nhiên khi gặp mặt các cô. Nhiều lần chị muốn chuyển trường cho con nhưng chị e ngại tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa nếu con chị vẫn học ở trường công. 
Trường điểm, một mặt được nhiều phụ huynh có con học ở đó tán tụng do thành tích mũi nhọn cao (nhiều học sinh giỏi quận, nhiều học sinh đỗ được vào trường tốt trong các kỳ thi tuyển sinh…) nhưng mặt khác lại bị các phụ huynh chê trong giáo dục đại trà hay bị mắc bệnh thành tích hoặc lớp học quá đông.
Theo các phụ huynh, ở những trường như Kim Liên, Nguyễn Trường Tộ, Giảng Võ, Đống Đa…  sĩ số mỗi lớp đều từ 55 đến 60 học sinh. Riêng các lớp ngoại giao đều ở mức 58 – 60 học sinh/ lớp.
Trên diễn đàn Webtretho, trong chủ đề về trường tiểu học Kim Liên, nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại, không hiểu với ngần ấy học sinh (55 – 60 cháu/ lớp) cô giáo quản kiểu gì (nhất là với học sinh lớp một) chứ chưa nói đến dạy.
Nick bacsihoasung bình luận: “Lớp đông thiệt cho các con thôi. Mình phải bái phục các cô về quản các cháu đấy vì mình còn biết tuần đầu một số con còn tè dầm, ị đùn, đùa và đánh nhau nữa chứ!”.
Một số trường tuy tiếng tăm khá lẫy lừng nhưng cơ sở vật chất lại không tốt, học sinh phải học hai ca trong khi với cấp tiểu học và THCS, nhu cầu phụ huynh cho con em học bán trú rất lớn.
Để giải quyết tình trạng này, trường Tiểu học Lê Ngọc Hân phải để cho giáo viên tự tổ chức “trông trẻ” tại nhà hay tại nhà thuê gần trường. Học kỳ I năm học này dư luận phụ huynh trường này xôn xao vì việc có nhiều phụ huynh lớp 2D phàn nàn về cách tổ chức bán trú của cô giáo chủ nhiệm.
Buổi sáng, phụ huynh chở con mình xuống tận nhà cô (đường Minh Khai). Buổi trưa cô thuê xe ô tô chở các con lên trường (phố Lò Đúc) học. Do đó tiền bán trú lớp này học sinh phải nộp khoảng 600.000 đồng/ em. Về sau nhà trường bắt giáo viên giải tán lớp bán trú ấy.
Hạ nhiệt nạn chạy trường chính là đưa các trường trở về giá trị thật, từ đó giáo viên cũng như nhà trường có những hành xử phù hợp với giá trị thương hiệu nhà trường. Nhưng hạ nhiệt bằng cách nào?    
Theo Quý Hiên / Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)