Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chạy trường… tăng tốc: Kỳ cuối: Thuốc nào chữa căn bệnh này?

Tạp Chí Giáo Dục

Trường “điểm” cần được thu học phí tương xứng để tránh “chạy trường” (ảnh chụp tại Trường MN đạt chuẩn QG Bé Ngoan, Q.1)

Lâu nay chúng ta cứ lên án vấn nạn “chạy trường”, nhưng đã bao giờ các ban ngành liên quan thừa nhận một sự thật rằng: “chạy trường” là biểu hiện của sự không công bằng trong giáo dục.
Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 thừa nhận là rất vui khi có nhiều phụ huynh “chạy” vào trường mình. “Được phụ huynh tín nhiệm, điều đó chứng tỏ chất lượng giáo dục Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tốt. Nhưng phải biết từ chối khéo với những trường hợp trái tuyến”, cô Điệp nói.
Cương quyết với trái tuyến
Năm 2009, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 được giao tiếp nhận trẻ thuộc địa bàn khu phố 2B, 3, 4, 5, 6 và 8 P. Đa Kao. Trường chỉ có 7 lớp nhưng số trẻ trên địa bàn lên tới 500 em. Nếu nhận hết số trẻ này thì nhà trường phải xóa lớp 2 buổi/ ngày, tăng sĩ số HS/ lớp từ 35 lên 45. Thế là Ban giám hiệu trường đã phải “cầu cứu” Phòng GD-ĐT. Theo đó, chỉ những trẻ có hộ khẩu, KT3 theo cha mẹ từ năm 2003, 2004 mới được học tại đây. Còn lại học tại Trường Tiểu học Đuốc Sống. Năm nay cũng vậy, Trường Đinh Tiên Hoàng chỉ nhận trẻ có hộ khẩu, KT3 (khu phố 1 đến 8 P. Đa Kao) nhập từ năm 2004 đến đủ chỉ tiêu (7 lớp).
Tại Q.10, 3 trường tiểu học được phụ huynh “chạy” nhiều là Dương Minh Châu, Thiên Hộ Dương và Võ Trường Toản. Để hạn chế “chạy trường”, năm 2010, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo những trường này ưu tiên nhận hết số trẻ có hộ khẩu hoặc KT3 cùng cha mẹ trên địa bàn được phân tuyến. Riêng số học sinh nhập khẩu thường trú, KT3 khác chỉ nhận khi còn chỗ, nếu không Phòng GD-ĐT sẽ bố trí học ở các trường khác.
Bà Võ Ngọc Thu – Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cho biết: “Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 1 năm nay, những trường hợp học sinh có hộ khẩu tập thể hoặc mới chuyển khẩu, tạm trú KT3 tại Q.5 kể từ tháng 1-2010, Ban chỉ đạo tuyển sinh sẽ xem xét phân bố trường học tùy tình hình cụ thể”.
Các quận làm cương quyết như vậy nên có nhiều trường hợp phụ huynh “chạy” cho con vào Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1 nhưng lại học tại Trường Tiểu học Phan Văn Trị, Q.1; “chạy” vào Trường Minh Đạo, Q.5 thì học ở Trường Chính Nghĩa, Q.5. “Chạy” trường “điểm” mà phải học trường “làng” thì dần dần phụ huynh cũng sẽ nản….
“Xóa” khoảng cách giữa các trường
Mặc dù lãnh đạo Sở GD-ĐT đã nhiều lần khẳng định chất lượng giáo dục giữa các trường, các quận, huyện là ngang nhau. Đúng. Nếu chỉ đơn giản là tỷ lệ học sinh khá giỏi, tốt nghiệp thì trường “làng” không thua kém gì trường “điểm”…
Nhưng vấn đề phụ huynh quan tâm bây giờ không phải là con mình đạt học lực khá giỏi, hay đậu tốt nghiệp mà là môi trường học tập. Ở đấy, con cái họ không chỉ được học chữ mà còn phải được phát triển toàn diện. Và ở đấy, học sinh tha hồ được thể hiện tính sáng tạo, được vui chơi, giao tiếp với nhiều người – thậm chí cả người nước ngoài.
Ở TP.HCM được mấy trường như thế này? Không nhiều và thường chỉ tập trung ở một số quận trung tâm. Tại sao các quận này làm được mà những quận, huyện còn lại không làm được? Phải chăng lãnh đạo chính quyền không quan tâm hay phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường ở những địa bàn này quá kém???
Thực ra ngành GD-ĐT đã làm hết sức mình. Từ việc nâng cao chất lượng và số lượng giáo viên, cải cách phương pháp dạy học đến việc tạo điều kiện cho hiệu trưởng được tự chủ trong các hoạt động của trường. Thế nên chất lượng giáo dục thành phố mới đạt được nhiều thành tích như ngày hôm nay…
Vấn đề còn lại là của UBND các quận, huyện. Quận, huyện nào lãnh đạo quan tâm đến giáo dục thì ở đó giáo dục phát triển mạnh, trường lớp khang trang. Ngược lại, lãnh đạo quận, huyện nào ít quan tâm và đẩy hết trách nhiệm cho phòng GD-ĐT thì ở đó có nhiều phụ huynh phải “chạy trường” sang quận khác.
Nhiều hiệu trưởng thừa nhận, kinh phí đầu tư hàng năm cho giáo dục không giảm nhưng cũng chỉ đủ trả lương cho giáo viên. Muốn tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh cũng khó. Mà vận động phụ huynh hỗ trợ thì lại bị lên án là “lạm thu”…
Từ thực tế trên cho thấy, “thuốc” đặc trị cho “chạy trường” chính là sự đầu tư công bằng cho giáo dục. Bên cạnh đó, theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP những trường chất lượng cao được quyền thu học phí tương xứng, vậy phụ huynh nào có điều kiện thì nộp đơn cho con học ở đây. Không có sự cào bằng trong học phí giữa trường “điểm” và trường “làng” thì không còn “chạy trường”…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)