Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chạy trường… tăng tốc: Kỳ I: Không thể không “chạy”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng có nhiều phụ huynh muốn “chạy” cho con vào Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1. (Phụ huynh nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2009-2010 tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm). Ảnh: H.Triều

Chỉ cách nhau một con đường, trường A thì khang trang với sân chơi rộng rãi, trong khi trường B – “trường không ra trường, lớp không ra lớp”. Có phụ huynh nào lại không muốn con mình được học ở trường A chứ. Và nạn “chạy trường” xuất hiện…
“Bé Đức nhà mình bị phân tuyến vào Trường Tiểu học Lam Sơn. Mình phải “chạy” cho bé sang Trường Tiểu học Lương Thế Vinh. Nhà có một đứa con nên phải lo cho bé chỗ học đàng hoàng…”, chị Thu Vân (đường Phạm Văn Chiêu, P.12, Q. Gò Vấp) tâm sự.
Nào, chúng ta cùng “chạy”!
4 năm trước, mặc dù nhà ở Q. Gò Vấp nhưng vợ chồng chị Thu Vân vẫn “chạy” cho bé Đức vào Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1. “Khi bé Đức đến tuổi đi học mẫu giáo, tìm đỏ mắt mà ở gần nhà cũng không có trường mầm non nào ưng ý. Thế là phải nhờ tới 3-4 người mới “chạy” cho bé vào được Trường Mầm non Bé Ngoan, Q.1. Theo kế hoạch ban đầu, khi vào lớp 1, chúng tôi sẽ “chạy” cho con vào Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 nhưng mấy năm gần đây Q.1 không nhận học sinh ngoài quận nên thôi. Bây giờ phải “chạy” trường trong quận. Khảo sát một số trường tiểu học gần nhà, chúng tôi nhận thấy Trường Tiểu học Lương Thế Vinh là tốt nhất. Cách đây khoảng một tháng, chúng tôi làm đơn gửi cho Phòng GD-ĐT Q. Gò Vấp nhưng bị Trưởng phòng từ chối. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn không bỏ cuộc, sẽ “chạy” cho bằng được…”, chị Thu Vân quả quyết.
“Nhắm” Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 cho bé Su từ lâu nên tháng 10-2009, chị Hạnh (đường Vạn Kiếp, P.3, Q. Bình Thạnh) đã nhập khẩu của con vào nhà một người bạn ở P. Đa Kao, Q.1. Để chắc chắn bé Su sẽ được vào Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, chị nhờ một người bạn thân là giáo viên một trường THPT trên địa bàn Q. Bình Thạnh đưa tới Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm gặp Ban giám hiệu. Khi được Hiệu trưởng trả lời trường phải ưu tiên nhận hết số trẻ có hộ khẩu, KT3 cùng cha mẹ theo phân tuyến của Phòng GD-ĐT, nếu còn chỗ mới nhận những đối tượng khác thì: “Tôi phải cầu cứu tới Hiệu trưởng một trường trên địa bàn Q. Bình Thạnh là chỗ quen biết với Hiệu trưởng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhờ anh ấy “can thiệp” giùm…”, chị Hạnh nói.
Những ngày này chị Hoa (đường Trần Xuân Soạn, P. Tân Thuận Tây, Q.7) làm tạp vụ tại Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TP.HCM (đường Pasteur, Q.3) cũng đang tìm mối để “chạy” cho bé Ngọc Ánh vào Trường Tiểu học Đuốc Sống (P. Tân Định, Q.1). Chị tâm sự: “Theo phân tuyến thì bé Ngọc Ánh học tại Trường Tiểu học Phù Đổng (P. Tân Thuận Tây, Q.7). So với Trường Tiểu học Đuốc Sống, Trường Phù Đổng không đẹp bằng. Song, lý do khiến tôi phải “chạy trường” là bởi nếu bé Ngọc Ánh học đúng tuyến thì không có ai đưa rước. Trong khi học tại Trường Đuốc Sống gần nơi tôi làm việc, rất thuận tiện cho việc đưa rước bé hàng ngày”.
“Chạy trường”: không hề giảm
Từ năm học 2008-2009, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo các trường cương quyết không nhận học sinh trái tuyến ngoài quận, huyện.
Tại buổi họp báo về tuyển sinh đầu cấp ngày 21-4 vừa qua, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng cho biết: “Với lớp 1, việc không tuyển trái tuyến ngoài quận, huyện đã dần đi vào ổn định. Bởi quận, huyện nào cũng có trường tốt. Mặt khác, đi học xa sẽ gặp khó khăn về vấn đề giao thông. Năm học 2009-2010 là năm thứ 2 không tuyển trái tuyến ngoài quận, huyện, thấy Q.1 làm rất tốt, dù rằng trước đây có tới 4-5% học sinh ngoài quận…”.
Song trên thực tế việc “chạy trường” không hề giảm. Điển hình như Trường Tiểu học An Hội, Q. Gò Vấp. Mùa tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2009-2010, bỗng dưng phát sinh thêm hơn 200 học sinh so với số điều tra ban đầu. Tìm hiểu thì được biết những học sinh này có hộ khẩu thường trú tại Q.12, Q. Tân Bình…
Với Luật Cư trú mới, việc chuyển khẩu từ quận, huyện này sang quận, huyện khác quá dễ nên khi thành phố cấm “chạy trường” ngoài quận, huyện thì phụ huynh nghĩ ra chiêu chuyển khẩu. Thế mới có tình trạng một hộ gia đình ở P. Đa Kao, Q.1 có tới 6-7 đứa trẻ đến tuổi vào lớp 1.
Q.1 có 14 trường tiểu học công lập, trong đó có 4 trường “điểm”, bao gồm Trường Đinh Tiên Hoàng (P.Đa Kao), Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Bến Nghé), Hòa Bình (P.Bến Nghé) và Trần Hưng Đạo (P.Nguyễn Cư Trinh). Không ít phụ huynh đã “chạy” hộ khẩu để con được vào học ở những trường này. Theo đó số trẻ 6 tuổi ở 3 phường Đa Kao, Bến Nghé và Nguyễn Cư Trinh càng ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2009, số trẻ sinh năm 2003 cư trú trên địa bàn quận được huy động ra lớp 1 năm học 2009-2010 là 3.987 em, tăng 1.052 em so với năm học 2008-2009. Trong đó ở 3 phường “nóng” tỷ lệ trẻ ra lớp 1 tăng từ 45-75% so với năm ngoái. Và năm 2010, số trẻ sinh năm 2004 được huy động ra lớp 1 cũng cao hơn năm ngoái cả ngàn em.
Tình trạng trẻ vào lớp 1 tăng đột biến cũng xảy ra ở Q.10. Thông thường cứ đến tháng 10 hàng năm, Q.10 sẽ chốt số trẻ ra lớp 1 của năm học tới. Nhưng liên tục từ đó cho đến tháng 5 của năm sau, các phường cứ phải bổ sung thêm trẻ vào danh sách, nhất là những phường có trường “điểm”…
Nhóm phóng viên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)