Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chạy trường… tăng tốc: Kỳ II: Ngó lơ những trường nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường TH Xóm Chiếu, Q.4 phải chấp nhận sinh hoạt trong sân chơi chưa đến 30m2

Về công tác tuyển sinh, đặc biệt là lớp 1, ở TP.HCM luôn tồn tại tình trạng trường “ăn không hết”, trường “lần không ra” học sinh (HS). Nhiều trường chỉ tiêu khoảng 200 HS nhưng có tới cả ngàn hồ sơ xin học. Trong khi đó lại có trường số hồ sơ xin học chỉ bằng 50-60% chỉ tiêu tuyển sinh…
“Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh là ban giám hiệu, giáo viên lại lo lắng không biết có tuyển đủ HS không. Nếu không tuyển đủ thì giáo viên sẽ phải ra dự khuyết, hoạt động của nhà trường có nhiều xáo trộn”, hiệu trưởng một trường tiểu học “top dưới” tâm tư.
Lớp học “teo” dần vì thiếu học sinh
So với các trường tiểu học trên địa bàn quận thì Trường TH Trần Quang Khải, P. Tân Định, Q.1 nghèo nhất. Trường không chỉ nghèo về cơ sở vật chất mà “nghèo” cả số lượng HS. Năm 2009, theo phân tuyến của Phòng GD-ĐT Q.1, trường tiếp nhận trẻ của khu phố 5, 6 P. Tân Định. Từ danh sách mà UBND phường gửi cho trường thì có trên 100 trẻ trong độ tuổi ra lớp 1. Song nhà trường chỉ tuyển được trên 60 HS. Bởi vậy, năm học 2009-2010, Trường TH Trần Quang Khải chỉ có 2 lớp 1 thay vì là 3 lớp như kế hoạch ban đầu. Trước đó, năm học 2008-2009, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 của trường là 105 HS (3 lớp) nhưng trầy trật mãi mới tuyển được 80 em.
Mấy năm gần đây, số HS đầu cấp của Trường TH Nguyễn Thái Bình, P. Nguyễn Thái Bình, Q.1 cứ thấp dần. Cụ thể như năm học 2009-2010, trường có 6 lớp 1 với tổng số 202 HS, trung bình mỗi lớp có từ 33-34 HS. Trong khi đó, khối 5 cũng có 6 lớp nhưng có tới 249 HS (tương đương 41-42 HS/ lớp). Ông Trương Công Vũ – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Theo phân tuyến, Trường TH Nguyễn Thái Bình nhận HS của 3 khu phố trên địa bàn phường Nguyễn Thái Bình và 2 khu phố trên phường Cầu Ông Lãnh. Không ít phụ huynh dù có giấy gọi của con vào trường này nhưng không nộp hồ sơ ở đây mà “chạy” qua Trường TH Trần Hưng Đạo, Lê Ngọc Hân, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cũng có phụ huynh nộp hồ sơ giữ chỗ, sau đó xin được trường khác thì rút ra”.
“Thảm” hơn cả là Trường TH Lý Thái Tổ, P.11, Q.8. Năm học 2009-2010, tổng số HS của trường chỉ còn 291 em, dù trước đó lên tới 800 em. “Không biết trong năm tới nhà trường có giữ được tổng số HS ít ỏi này hay không”, ông Nguyễn Văn Giầu – Hiệu trưởng nhà trường lo lắng.
Cùng hoàn cảnh là Trường TH Xóm Chiếu, Q.4. Hiệu trưởng nhà trường, bà Mai Trinh trăn trở: “Năm nay có một số trường tiểu học trên địa bàn quận được khánh thành, trong khi với cơ sở vật chất “khiêm tốn” như hiện nay không biết phụ huynh có chịu cho con vào học tại Trường Xóm Chiếu hay không”.
Q. Gò Vấp cũng có tới 4 trường bị phụ huynh “chê”, đó là Trường TH Trần Quang Khải, Trường TH Phạm Ngũ Lão, Trường TH Lam Sơn, Trường TH Chi Lăng. Ở Q.5 thì có Trường TH Chính Nghĩa, Trường TH Nguyễn Viết Xuân. Hay như Q.12, huyện Nhà Bè… cũng có vài trường không tuyển đủ chỉ tiêu HS…
Chỉ tại trường không ra trường
Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được bảng hiệu của Trường TH Lam Sơn, đường Phạm Văn Chiêu, P.12, Q. Gò Vấp. Cái bảng hiệu bé tẹo với mấy chữ: “Trường TH Lam Sơn” nằm khép nép bên cạnh cái cổng hoành tráng của nhà thờ Thạch Đà. Hỏi mấy chị bán hàng trước cổng nhà thờ rằng: “Bảng hiệu của trường đây, vậy cổng trường đâu?” thì được trả lời: “Trường này không có cổng, muốn vào thì đi qua cổng của nhà thờ”. Đi qua cổng nhà thờ, chúng tôi cũng tiếp cận được hai dãy nhà cấp 4 làm phòng học và 1 căn nhà (1 trệt, 1 lầu) làm phòng ban giám hiệu, phòng hành chính. Tất cả đều đóng cửa, bên ngoài có một cái bảng thông báo: “Ngày 21-6, phát học bạ lớp 5”… Bên hông dãy nhà cấp 4 có mấy đứa trẻ đang chơi cờ, chúng tôi hỏi: “Tụi con học trường này à”, một đứa trẻ khoảng 9-10 tuổi lên tiếng: “Chỉ có mình con thôi. Mấy bạn này nhà giàu nên học Trường An Hội, Lê Thị Hồng Gấm…”. Em này cũng cho biết, đây là cơ sở chính và đẹp nhất trong 3 cơ sở của trường.
Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Q.8 nằm cạnh chân cầu Chà Và. Mang tiếng là trường nhưng các phòng học đều không ở dưới đất mà “treo” trên tầng 2 và 3, bởi dưới đất đã được dành cho nhà sách. Học sinh muốn vào trường phải leo lên cầu thang rộng chưa đầy 2m và tối om. Trường không có sân chơi, giờ ra chơi HS chỉ có thể đứng “tám” với nhau ở hành lang. Ông Giầu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Theo quy hoạch, Trường Lý Thái Tổ sẽ được xây dựng mới trên đất thu hồi 6 kho của Bến Bình Đông với diện tích 6.000 m2”. Nhưng đó mới chỉ là quy hoạch trên giấy…
Tương tự, Trường Xóm Chiếu, Q.4 cũng phải “nằm trên giấy” từ năm 2006 đến nay.
Ông Cao Xuân Hiểu – Hiệu trưởng Trường TH Lê Quý Đôn, P. Tân Hưng, Q.7 tiếp chúng tôi trong căn phòng chật chội. Dù rằng đây là nơi làm việc của ban giám hiệu và phòng tài vụ. Trường được xây dựng từ năm 1994, đến nay đã xuống cấp trầm trọng – sân chơi thì nhấp nhô, phòng học thấm nước, nền phòng học bong tróc gạch… Đã vậy, trong quy hoạch mới của quận, trường sẽ bị giải tỏa gần 60m2 để lấy đất cho Công ty Him Lam mở rộng đường đi vào khu chung cư cao cấp của họ. Ông Hiểu tâm tư: “Chúng tôi biết có không ít phụ huynh đã “chạy” cho con sang học ở những trường khác. Nếu tình hình cơ sở vật chấttrường, lớp không được cải thiện thì tình trạng “chạy trường” còn diễn ra dài dài”.
Nhóm phóng viên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)