Tái diễn vở 12 bà mụ (tác giả: Nguyễn Khắc Phục, đạo diễn: Hùng Lâm) tại Nhà hát Bến Thành với 5 suất (từ ngày 29-8 đến 2-9), thế nhưng vẫn còn hàng ngàn khán giả tiếc nuối vì chưa tìm được vé để xem vở diễn đầy ấn tượng này của Sân khấu IDECAF.
Ðiều gì tạo nên cơn sốt khiến vé chợ đen tăng gấp ba lần so với giá gốc là 250.000 đồng/vé? Lượng khán giả ngồi chật cứng khán phòng mỗi suất diễn đã lý giải câu hỏi này. Xem lại vở 12 bà mụ tái dựng, ngoài sự yêu thích nét biến hóa đầy thú vị của các diễn viên tài năng, người xem còn được thấy những điều chưa hay, chưa đẹp từ cuộc sống hôm nay được chuyển tải trên sàn diễn hết sức sâu sắc.
Cảnh trong vở 12 bà mụ tại Nhà hát Bến Thành
Bắt nguồn từ chuyện về 12 người đàn bà là cung tần của Ngọc Hoàng được gọi "Thập nhị bà bà". Họ được giao trọng trách tượng hình ra con người. Từ đó, 12 bà mụ này sống cùng nhau để "đúc" người, mỗi một bà phụ trách tạo một phần thân thể con người: người nặn chân, người nặn mắt, người nặn khuôn mặt, người quyết định giới tính… trong đó, hai bà mụ có trọng trách khá quan trọng là bà mụ thứ 12, đảm nhận việc tạo ra bộ não cho đứa bé và người khai nhãn, thổi sự sống vào cho nó là bà mụ lớn nhất Hoàng Thị Mộng Một (NSƯT Thành Lộc). Khán giả được gặp lại người nghệ sĩ có biệt danh "phù thủy sân khấu" ở vai trò lĩnh xướng các tuyến kịch, lúc thì là bà mụ vui tính, lúc là một con hổ sân si, khi thì trong vai một thầy cúng xảo quyệt.
Lời thách thức của Nam Tào – Bắc Ðẩu cho rằng các bà mụ nặn ra được một nửa con người (thể xác), còn nửa còn lại (linh hồn) là do xưởng đúc vĩ đại của cuộc đời tạo nên cũng chính là thông điệp của vở diễn.
Một vở diễn được đầu tư nghiêm túc, cập nhật những thông tin thời sự mang tính châm biếm về những điều chưa tốt trong cuộc sống hôm nay, vì vậy hơi thở cuộc sống ngồn ngộn trong từng tính cách nhân vật. Nhờ đó,12 bà mụ không chỉ mang lại tiếng cười thú vị mà còn khiến người xem suy ngẫm nhiều điều.
theo NLD
Bình luận (0)