Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chế biến cá tra Nhà máy đói nguyên liệu, công nhân tranh việc

Tạp Chí Giáo Dục

 

“Hôm nay lại phải về sớm!” “Cuối năm đến nơi rồi mà hôm nào cũng ít hàng như vầy thì tiền đâu sắm tết nữa!”…
Đó là mẩu đối thoại của công nhân mà chúng tôi ghi được trước cổng nhà máy thuỷ sản Hùng Vương Châu Âu, khi mà mới 3 giờ chiều, dưới cái nắng còn chói chang, hàng trăm công nhân đã phải ra về vì hết việc.
Khi công nhân làm giờ công chức
Phan Thị Yên Đạm, quản đốc phân xưởng nhà máy thuỷ sản Hùng Vương Châu Âu (khu công nghiệp Mỹ Tho, Châu Thành, Tiền Giang) dẫn chúng tôi đi đến từng khu vực chế biến cá tra. Lúc 14 giờ, công nhân khu vực tiếp nhận cá đã hết việc làm, còn bộ phận philê, định hình cũng đang hoàn thành nốt những rổ cá cuối cùng. Chưa tròn 30 tuổi, vừa ra trường đã được nhận vào làm quản lý, đến nay, Đạm có tám năm gắn bó với nghề chế biến cá tra. Cô cho biết chưa năm nào thấy cảnh thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng như năm nay. Bình thường, nhà máy này mỗi ngày “chạy” 150 – 200 tấn cá, nhưng hơn một tháng trở lại đây, ngày cao lắm chỉ còn 100 tấn…
Công nhân nhà máy thuỷ sản Hùng Vương Châu Âu chỉ có nguyên liệu làm đến 3 giờ chiều, mỗi tuần làm năm ngày như giới công chức.
“Thiếu nguyên liệu, thì công nhân mất thu nhập anh ơi”, Lê Thành Trung, 27 tuổi, buồn rầu nói. Tay Trung cầm con dao sắc lẹm, thoăn thoắt gọt bỏ lớp sọc đỏ, sợi chỉ (gân) trên miếng philê rồi ném vào rổ với động tác thuần thục. Trung cho biết, công nhân làm ăn sản phẩm như anh, làm từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều phải ra 100 – 120kg sản phẩm (1kg trả công 2.000 đồng) mới có thu nhập trên dưới 6 triệu đồng mỗi tháng. (xem tiếp trang 12
Khoảng hơn tháng nay, nhà máy thiếu nguyên liệu, làm tới hai, ba giờ chiều đã hết hàng, nên thu nhập bị giảm 30.000 – 40.000 đồng/ngày so với trước.
Không chỉ giảm giờ làm, các nhà máy chế biến cá tra còn cho công nhân nghỉ hai, ba hoặc bốn ngày trong tuần. Hơn 500 công nhân nhà máy thuỷ sản Hùng Vương Châu Âu chỉ làm năm ngày trong tuần. Tính ra mỗi tháng, họ chỉ có thu nhập từ 22 ngày làm việc. So ra, công nhân của Hùng Vương vẫn còn may hơn các đồng nghiệp làm ở nhà máy thuỷ sản Ngọc Hà, Hiệp Long, Việt Phú, An Phát… khi họ chỉ có việc làm từ 3 – 4 ngày trong tuần. Do vậy, thu nhập từ chỗ 5 – 6 triệu nay giảm còn chưa đầy 2 triệu mỗi tháng. “Em vừa vào làm ở An Phát từ tháng 5.2011, đến tháng 10 thì công việc ít lại, sang tháng 11 có tuần chỉ làm hai ngày. Ngày nào nghỉ công ty trả 70% lương cơ bản, thu nhập tháng chỉ chưa đến 2 triệu nên phải bỏ sang Hùng Vương Châu Âu làm. Nhưng bên này cũng chẳng khá hơn”, một công nhân kể.
Để giữ chân công nhân, nhiều công ty cho nghỉ nhưng chấp nhận trả 70% lương cơ bản. Thậm chí, có nhiều nhà máy phải bắt cá dưới cỡ (dưới 800 gram trở xuống) để có nguyên liệu cho công nhân làm. Tuy là giải pháp tạm thời song đáp ứng nguyện vọng “mong có cá làm thường xuyên là ngon nhất”.
Về sớm vì ít việc, công nhân phải đi làm sớm để giành cá. Trần Văn Thường, 20 tuổi, làm ở bộ phận định hình cá cho hay anh và nhóm bạn ở Cai Lậy phải thức dậy từ 4 giờ sáng, chạy xe 10 cây số để có mặt xếp hàng trước lấy cá. “Mình đi muộn chút xíu là phải đứng sau, lấy được ít cá anh ạ”, Thường tâm sự. Bố mất sớm, mẹ bị bệnh khớp không làm việc, Thường phải làm nuôi mẹ và hai em nhỏ ăn học. Thường tính toán ngày công phải lãnh 200.000 đồng trở lên mới đủ chi tiêu. Hơn một tháng nay, công việc bấp bênh, thu nhập giảm nên Thường phải nhịn ăn sáng, đi nhờ xe máy của bạn mới đủ chi tiêu cho gia đình.
Ông Nguyễn Văn Ký, giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản An Giang (Agifish An Giang) cho biết, trước đây trung bình mỗi ngày sản xuất 200 – 250 tấn nguyên liệu, nhưng nay giảm còn 150 tấn nên công nhân được nghỉ hai ngày cuối tuần và cắt tăng ca, cho về sớm từ lúc 3 giờ chiều. Ông Ký bảo rằng hơn một tháng nay hầu hết các nhà máy đều thiếu nguyên liệu chứ không riêng gì Arifish An Giang. “Có nơi đóng cửa hẳn, nơi làm cầm chừng, anh nào tự nuôi được thì cũng chỉ hoạt động 50% công suất. Arifish An Giang cũng phải cắt giảm ngày công, cắt giảm một phần thu nhập của công nhân”, ông nói thêm.
Nhà máy gặp khó
Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), đồng thời là tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương, doanh nghiệp có hơn 9.000 công nhân chế biến cá tra thừa nhận: tình trạng thiếu nguyên liệu đang gây ra khó khăn nghiêm trọng cho các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu. Dù chủ động nuôi cá từ mấy năm nay, nhưng bây giờ nguyên liệu chỉ đáp ứng 60 – 50% công suất của Hùng Vương. Theo ông Minh, có đến 70% trong tổng số 100 doanh nghiệp nhỏ đang trong hoàn cảnh như vậy.
Việc chạy không đủ công suất, khiến nhà máy gánh thêm chi phí như lãi vay, bảo trì, điện, nước và các nhà quản trị lo lắng nhất là mất khách hàng. Một giám đốc xin giấu tên cho biết, để đủ chi phí chạy điện, nước, bảo trì, lương bảo vệ, bộ phận văn phòng và lương của 100 công nhân, mỗi ngày cần sản xuất 15 tấn cá. Vị này nói: “Vài tháng trở lại đây, mỗi tuần chúng tôi chỉ đủ nguyên liệu chạy bốn ngày mà chi phí bỏ ra vẫn phải tính bảy ngày”. Theo vị giám đốc này, trong giai đoạn hiện nay, chỉ có cách ngưng sản xuất mới cắt giảm chi phí.
Ông Dương Ngọc Minh cho biết, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy thì rất khó đảm bảo 100% công nhân có mức lương, thưởng thoả đáng. Ông Minh cũng cho rằng tình hình khó khăn còn nặng nề hơn trong tháng 12 tới đây, vì nguyên liệu tháng này tiếp tục giảm, hơn nữa đây còn là thời gian các nhà máy phải đáo hạn ngân hàng.
bài và ảnh: Hoàng Bảy
Theo SGTT

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)