Kinh nghiệm mà cô H., người có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, để lại không chỉ cho tôi mà còn nhiều giáo viên đàn em khác trong trường cùng nhìn vào để có thể luôn tràn đầy sinh lực bước theo con đường giáo dục nhân cách học trò.
Năm lần bảy lượt đến nhà gặp phụ huynh, cũng từng ấy lần cô H. bị phụ huynh xua đuổi. Lý do rất đơn giản: “Nó không học thì thôi, tôi không cần ép. Cô đừng đến nhà làm phiền tôi nữa”, vì cô H. mỗi khi hết giờ dạy ở trường đều ghé nhà học sinh K. để động viên em đi học lại. Cha mẹ không quan tâm đến việc học, vì thế mà K. buổi học buổi nghỉ. Giáo viên bộ môn động viên, khuyến khích đủ cách cũng không được rồi dọa cho điểm kém và cũng làm thật. Thế nên, K. càng chán nản học ngày càng tệ hơn. Suốt mấy tuần liền, cô H. phải đến nhà gặp cha mẹ em, phải “rình” và theo dõi K. ra khỏi trường đi đâu, chơi với ai. Vì thế mà sau gần hai tháng thì K. đã quay lại trường học bình thường.
Chia sẻ với đồng nghiệp trẻ, cô H. nói rằng: “Những học sinh chưa ngoan mà cha mẹ nghiêm khắc, ta dọa phạt hay hạ thi đua thì các em sợ và nghiêm chỉnh tuân thủ yêu cầu của giáo viên, phải thường xuyên canh chừng sự “nổi loạn” trong các em…”, cô tiếp lời: “Những học sinh mà cha mẹ không quan tâm, ta dọa các em đâu có sợ, các em đâu biết học để làm gì, trừ điểm hay hạ hạnh kiểm cũng đâu giúp các em ý thức hết, các em đó bất cần mà…”.
Với tâm niệm lạ đời, không xem học sinh là con cũng không phải xem học trò là những đứa trẻ khờ dại… mà là một “công dân chưa hoàn thiện nhân cách”. (Theo cô H., đây là cách đối xử công bằng với một cá thể trong xã hội). Thế nên, để tương lai sau này có một thế hệ những con người có nhân cách tốt đẹp, tử tế thì không thể để học sinh bỏ học. Bởi “bỏ học thì nhận thức chưa đầy đủ dễ bị những đối tượng xấu rủ rê có thể sa ngã, nối tiếp đi vào con đường tội lỗi. Phải giữ các em đó lại để tiếp tục bồi đắp những kỹ năng cần thiết cho các em trở thành người tốt. Còn kiến thức thì….”, cô H. trầm ngâm rồi trả lời như đi ngược lại xu thế chung: “Kiến thức có thể không biết, giờ không biết sau này sẽ biết. Tri thức không phải chỉ thầy cô giáo cung cấp, mà các em chỉ cần kỹ năng, trong đó dạy các em kỹ năng học, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm người, kỹ năng tiếp cận nghề nghiệp…”. Theo cô, không ai ngoài giáo viên chủ nhiệm có thể hiểu và gần gũi học sinh nhất, hằng ngày phải nắm rõ học sinh nào vắng học, học sinh nào có những thay đổi lạ…
Tâm niệm của cô H. là cố gắng không để một học sinh nào bỏ học, có phần “che chở” cũng như “bênh vực” trước mặt giáo viên khác và những dị nghị đối với học sinh của mình. Phải theo đến cùng những học sinh cá biệt, đó mới là thành công của một người giáo viên chủ nhiệm.
Minh Quân (TP.HCM)
Bình luận (0)