Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chế độ ăn kiểu công nghiệp đang “biến đổi” cơ thể con người

Tạp Chí Giáo Dục

Việc loại bỏ mô hình sản xuất thực phẩm công nghiệp là điều không thể ở thời điểm hiện tại, nhưng chúng ta cần có những giải pháp kịp thời để hạn chế ảnh hưởng của chế độ ăn kiểu công nghiệp đối với con người.
"Hãy nói cho tôi biết bạn ăn gì, và tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào" là câu nói được một luật sư người Pháp Jean Anthelme Brillat-Savarin viết trong cuốn tạp chí xuất bản vào năm 1826. Hiện tại, câu nói này hoàn toàn đúng theo nghĩa đen khi mà giới khoa học đã tìm được những bằng chứng xác minh sau khi giải mã cơ thể người.
Theo Mongabay, một nghiên cứu về các đặc trưng trong tóc và móng tay của con người gần đây cho thấy, chúng ta đang dần trở nên "giống nhau" ở một số nơi trên cơ thể và nguyên nhân chính là các thực phẩm công nghiệp được ăn hàng ngày.
Michael Bird, tác giả viết cho tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences vừa có một bài viết về vấn đề này với tiêu đề: "Sự phụ thuộc quá mức vào thực phẩm công nghiệp đang khiến con người có những thay đổi về mặt hóa học". Đặc biệt, bài báo còn chỉ ra rằng những hộ gia đình, cộng đồng, ăn uống chủ yếu bằng thực phẩm nông nghiệp nuôi trồng tự nhiên thì sẽ không gặp tình trạng này. Thay vào đó, thực phẩm công nghiệp lại đang tác động lên phần lớn các cộng đồng đô thị lớn giàu có, hoặc các nơi đang đô thị hóa mạnh mẽ.
Cụ thể, tại những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người hàng năm trên 10.000 USD, phần lớn nguồn cung thực phẩm của họ đều đến từ các siêu thị, cửa hàng, quán ăn và hầu hết đều được sản xuất công nghiệp. Tận dụng các dữ liệu có sẵn về chế độ ăn trước năm 1910 của con người từ việc nghiên cứu các bộ xương trong quá khứ của những nhà khảo cổ học, Bird cùng các cộng sự của mình đã phân tích các mẫu tóc, móng tay từ các quần thể ngày nay và sau đó tiến hành so sánh chúng với dữ liệu khảo cổ học để tìm ra những điểm khác biệt.
Thực phẩm công nghiệp lại đang tác động lên phần lớn các cộng đồng đô thị lớn giàu có.
Thực phẩm công nghiệp lại đang tác động lên phần lớn các cộng đồng đô thị lớn giàu có.
Vốn dĩ các nhà nghiên cứu chọn cột mốc trước năm 1910 vì vào khoảng thời gian này, con người bắt đầu sử dụng rộng rãi phân bón nitơ tổng hợp để canh tác công nghiệp, một loại phân bón được biệt danh là "trụ cột" của công nghiệp canh tác thời bấy giờ. Họ đã phân tích tỷ lệ các đồng vị của nitơ và carbon khác nhau được tìm thấy trong hài cốt của thi thể người trong quá khứ. Bằng cách nghiên cứu các tỷ lệ này, họ có thể đưa ra kết luận về thực phẩm mà con người ăn.
Theo đó, các đồng vị nitơ có trong phân bón nitơ tổng hợp, đều được chiết xuất từ trong khí quyển chứ không phải trong đất màu mỡ tự nhiên. Cụ thể, khi các vi khuẩn trong phân bón chuyển hóa nitơ từ khí quyển thành những dạng sử dụng được cho cây trồng, chúng tạo ra hai đồng vị khác của nitơ và không giống nitơ trong phân bón hóa học.
Thời điểm cây hấp thụ nitơ từ đất, chúng sẽ lấy 2 đồng vị nitơ này theo một tỉ lệ nhất định. Tỷ lệ này sẽ thay đổi khi thực vật trở thành chất dinh dưỡng trong hệ tiêu hóa của một sinh vật nào đó. Các đồng vị nitơ có trọng lượng nhẹ sẽ được chuyển hóa thành năng lượng cho các hoạt động chức năng của cơ thể và được thải ra ngoài dưới dạng chất thải, trong khi đó, các đồng vị nitơ nặng hơn vẫn còn tồn tại và ở lại trong cơ thể.
Đối với những người mua thực phẩm tại siêu thị lớn do các trang trại chăn nuôi công nghiệp nhỏ cung cấp, lượng đồng vị nitơ trên các quần thể nói chung nằm trong một phạm vi hẹp hơn. Chưa hết, nếu họ tiêu thụ thịt của những con bò được nuôi trong kiểu trang trại công nghiệp quy mô lớn, hoặc thực vật được trồng trên những cánh đồng độc canh bằng phân bón, các chất dinh dưỡng của chúng đều được tạo ra nhanh chóng và hoàn toàn nhân tạo. Vì nếu sản xuất theo mô hình tự nhiên, chắc chắn không thể đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ hiện nay.
Bird cho biết: "Chúng ta đã loại bỏ quá nhiều quá trình tự nhiên cần có để sản xuất ra thực phẩm cho con người. Mọi thứ trở nên công nghiệp hóa và không còn chút dinh dưỡng nào". Trong khi đó, nghiên cứu các đồng vị carbon thì cho biết những loại thực phẩm mà con người tiêu thụ. Ví dụ, những người ăn nhiều bắp hay ăn chủ yếu là gạo sẽ có hàm lượng đồng vị carbon trong mô khác biệt so với người bình thường. Tuy nhiên, phân tích cho thấy rằng thời nay, giá trị dinh dưỡng của các đồng vị carbon cũng đã bị thu hẹp bởi vì chúng ta đang ăn những loại thực phẩm công nghiệp.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ lương thực nên đa dạng hóa
Việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sẽ tạo ra nhiều rủi ro tiềm ẩn
"Chúng tôi biết rằng sản xuất nông nghiệp và mô hình tiêu thụ thực phẩm đã bị thu hẹp trên toàn cầu trong 100 năm qua, do các nghiên cứu và chính sách nuôi trồng chỉ tập trung chủ yếu vào vài loại thực phẩm công nghiệp chính. Ví dụ hạt ngũ cốc, dầu oliu, đường, trong khi bỏ qua nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng tự nhiên khác. Có thể nói, việc khai thác thức ăn từ tự nhiên đang dần đi vào dĩ vãng đối với hầu hết con người hiện đại", Matin Qaim, một nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Goettingen, Đức, cho biết.
Mặt khác, nghiên cứu cho biết những hộ gia đình, cộng đồng, ăn uống chủ yếu bằng thực phẩm nông nghiệp nuôi trồng tự nhiên có tỷ lệ đồng vị carbon và nitơ tương tự người sống trước năm 1910. Theo Qaim, đây không hẳn là một điều tốt hay xấu về mặt sức khỏe. Ông nhận định: "Các tác giả của bài báo này chỉ mới cho biết rằng chế độ ăn uống trong quá khứ đa dạng hơn trước khi bước vào thời kỳ ‘công nghiệp hóa nông nghiệp', chứ chưa làm rõ liệu tình trạng dinh dưỡng thời đó có tốt hơn hiện tại hay không".
Vấn đề của phương thức nuôi trồng công nghiệp là nó tách rời khỏi chuỗi thức ăn tự nhiên, không có khả năng phục hồi. Việc con người ngày càng đẩy nhanh và rút ngắn chuỗi thức ăn khiến Bird và các nhà khoa học lo lắng. Ông chia sẻ: "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ là một trong rất nhiều minh chứng cho thấy, việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sẽ tạo ra nhiều rủi ro tiềm ẩn".
Do đó, khi có bất cứ một sự cố nào xảy ra, chẳng hạn như bệnh thực vật, dịch châu chấu…, có thể khiến toàn bộ hệ thống công nghiệp rơi vào hỗn loạn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phá bỏ các khu liên hợp công nghiệp, nông nghiệp. Vì nếu quay trở lại phương thức sản xuất kiểu cũ thì chắc chắn không đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm. Theo các nhà sử học kinh tế, chính sự xuất hiện của phân bón hóa học là một trong những nguyên nhân thúc đẩy dân số ngày càng tăng.
"Các mô hình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ lương thực nên đa dạng hóa, nghĩa là phải sản xuất và tiêu thụ nhiều loại cây trồng khác nhau hơn tại địa phương và toàn cầu. Điều này sẽ có lợi về dinh dưỡng, sức khỏe và môi trường", Qaim nói. "Chúng ta không thể quay trở lại thời kỳ canh tác nông nghiệp như cách đây 100 năm. Chúng ta cần công nghệ, bao gồm các công nghệ mới, để đủ sức nuôi dưỡng thế giới. Nhưng cần đa dạng hơn và giảm tác động của môi trường".
NT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)