Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Chế tạo máy bay ít phát thải lấy cảm hứng từ cá mập

Tạp Chí Giáo Dục

Tập đoàn Lufthansa của Đức có kế hoạch phủ một "lớp da" lên thân máy bay để cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu và giảm phát thải.
Da cá mập được bao phủ bởi những đường gân và rãnh nhỏ li ti, có tác dụng làm giảm các xoáy hỗn loạn và lực cản của nước khi chúng di chuyển với tốc độ cao. Hiện tượng này từ lâu đã thu hút các nhà khoa học nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, từ các ứng dụng quân sự, công nghệ đồ bơi đến hàng không vũ trụ.
Cấu trúc da cá mập nhìn dưới kính hiển vi.
Cấu trúc da cá mập nhìn dưới kính hiển vi.
Trong một tuyên bố mới vào hôm 3/5, tập đoàn hàng không Lufthansa của Đức cho biết họ có kế hoạch phủ một lớp màng đặc biệt bắt chước các đặc tính của da cá mập – được đặt tên là AeroSHARK – lên thân máy bay để tối ưu hóa khí động học, giảm lực cản của không khí, cho phép tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu và giảm lượng khí thải carbon.
Lufthansa đang hợp tác với công ty hóa chất hàng đầu của Đức BASF để phát triển AeroSHARK và dự kiến vào đầu năm 2022, toàn bộ chuyên cơ vận tải Boeing 777 của công ty sẽ được trang bị công nghệ mới này.
Theo Lufthansa Cargo, lớp màng AeroSHARK sẽ giúp giảm nhiều hơn 1% lực cản, qua đó tiết kiệm khoảng 3.700 tấn nhiên liệu và gần 11.700 tấn khí thải CO2 hàng năm, tương đương lượng phát thải của 48 chuyến bay chở hàng riêng lẻ từ Frankfurt đến Thượng Hải.

Máy bay chở hàng Boeing 777 của Lufthansa Cargo.
"Công nghệ lớp phủ mô phỏng da cá mập cho phép chúng tôi hỗ trợ Lufthansa đạt được các mục tiêu bền vững và làm cho ngành hàng trở nên không thân thiện hơn với môi trường", Dirk Bremm, trưởng nhóm phát triển AeroSHARK của BASF, nhấn mạnh.
Năm ngoái, đội chuyên cơ vận tải của Lufthansa đã thải ra gần 4 triệu tấn CO2. Hãng hàng không của Đức đặt mục tiêu đến năm 2030 có thể cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon so với năm 2019, thời điểm đại dịch chưa bùng phát.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)