Sau gần 2 tuần nghiên cứu sáng chế, nhiều học sinh Trường THPT Hiệp Bình (TP.Thủ Đức) đã sở hữu những chiếc xe tự chế nhỏ gọn, đầy sắc màu. Qua sản phẩm của mình, các em truyền thông điệp tích cực về môi trường và cuộc sống…
Các xe tự chế tranh tài tại hội thi
Nhằm tạo sân chơi bổ ích cho học sinh trong trường, giúp các em tìm ra phương án khả thi vận chuyển hàng hóa một cách hiệu quả, Tổ vật lý Trường THPT Hiệp Bình phối hợp với Trung tâm STEM của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tổ chức Hội thi “Chinh phục đỉnh Everest”. Hội thi thu hút 172 đội với gần 800 học sinh đến từ 41 lớp 10, 11 và 12 tham gia. Trải qua vòng loại đầy gay cấn và hào hứng, ban giám khảo đã chọn 16 xe vào vòng chung kết. Ở vòng thi này, xe của mỗi đội có nhiệm vụ lấy các quả bóng nhỏ từ khay chứa bóng mang lên đỉnh núi Everest (được thiết kế thành con dốc cao) và thả bóng ở đó. Sau thời gian 3 phút, xe đội nào thả bóng trên đỉnh núi nhiều hơn, đội đó giành chiến thắng. Kết quả, xe của đội Điền Yến Vy (lớp 11A6) – với tên gọi “Tứ mươi tam – Tám mươi tư) – xuất sắc giành giải nhất. Yến Vy chia sẻ: “Hội thi “Chinh phục đỉnh Everest” giúp chúng em có được nhiều kỹ năng như kỹ năng giải quyết vấn đề, làm việc nhóm…, đặc biệt là cách vận dụng bài học vào cuộc sống”. Dù gặp trục trặc trong quá trình thi đấu nhưng xe mang thông điệp “Greenery – cây xanh” của đội Võ Ngọc Yến Phương (lớp 11A13) đã vượt qua nhiều xe khác để giành giải nhì. Xe của đội Yến Phương là một trong những xe được chú ý nhất bởi có màu xanh lá cây khá nổi bật. Nói về cách thiết kế này, Yến Phương bật mí: “Từ chiếc xe này em muốn nhắn nhủ đến các bạn học sinh về thông điệp bảo vệ môi trường. Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn môi trường xanh, sạch để có cuộc sống an lành, hạnh phúc”. Giải ba thuộc về xe mang thông điệp “Thất bại để thành công” của đội Nguyễn Cao Minh (lớp 11A13). Cao Minh cho biết để hoàn thiện chiếc xe, đội của em đã đầu tư nhiều thời gian thiết kế với 3 lần thất bại. “Điều mà chúng em cảm thấy ý nghĩa nhất là hội thi đã cho chúng em nhận ra được nhiều bài học giá trị. Đó không chỉ là bài học biết vận dụng kiến thức vào thực tế mà còn là bài học muốn thành công phải trải qua thất bại. Cho nên trong cuộc sống, nếu chẳng may chúng ta làm gì đó không thành công thì đừng buồn, hãy đứng lên làm lại từ đầu”, Cao Minh chia sẻ. Cô Nguyễn Thị Hồng Mai (Tổ trưởng Tổ vật lý, Trưởng ban tổ chức hội thi) cho biết hàng năm Tổ vật lý đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa để vừa tạo sân chơi cho học sinh, vừa hướng đến giáo dục STEM. “Chúng tôi mong muốn qua hội thi sẽ tìm ra được những học sinh có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đồng thời biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và học tập như: kỹ năng thiết kế và chế tạo robot, kỹ năng phân tích vấn đề kỹ thuật, kỹ năng làm việc nhóm… Từ đó góp phần làm phong phú nguồn tư liệu dạy học môn vật lý cũng như các môn khoa học tự nhiên ở trường THPT, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, công tác kiểm tra đánh giá trong nhà trường, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, cô Hồng Mai kỳ vọng.
Cô Nguyễn Thị Hồng Mai (Tổ trưởng Tổ vật lý, Trưởng ban tổ chức hội thi) chúc mừng 3 đội đoạt giải cao
Ban tổ chức trưng bày các xe tự chế tham gia hội thi
Cô Lê Thị Ngọc Anh (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ với sự sáng tạo của học sinh trong hội thi “Chinh phục đỉnh Everest”; hy vọng hội thi sẽ mang lại nhiều kiến thức, kỹ năng cho các em sau này”.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)