Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chè Thái Nguyên: Thương hiệu: Nổi tiếng – nhãn hiệu: Không

Tạp Chí Giáo Dục

Có một nghịch lý tồn tại bấy lâu nay: Thương hiệu chè Thái Nguyên rất nổi tiếng, nhưng nhãn hiệu chè Thái Nguyên lại được ít người sản xuất, chế biến chè trong tỉnh sử dụng. Festival Trà quốc tế được tổ chức tại Thái Nguyên chính là “cú hích” giúp người sản xuất chè nơi đây đã ý thức hơn về việc quảng bá và gìn giữ thương hiệu chè Thái.
Thương hiệu nổi tiếng

Ông Trần Văn Thắng – ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên tỏ ra háo hức: “Sản phẩm chè Tân Cương đã nổi tiếng trong nước nên đây là cơ hội lớn để chúng tôi giới thiệu chất lượng chè Tân Cương với các bạn bè quốc tế”. Vài năm trở lại đây, chất lượng sản phẩm chè của gia đình ông đã có sự thay đổi rõ rệt, thu nhập từ cây chè đạt trung bình 300 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: “Các hộ dân trồng chè ngày càng ý thức được việc phải giữ được chất lượng và danh tiếng của chè Tân Cương. Con đường để đạt được điều đó chính là xu hướng sản xuất chè an toàn”.
Festival Trà quốc tế là cơ hội để người sản xuất chè Thái Nguyên quảng bá và khẳng định chất lượng sản phẩm.
Hội Nông dân (HND) tỉnh Thái Nguyên cho biết, xu hướng sản xuất an toàn đã trở thành chủ đạo tại các hộ nông dân trồng và chế biến chè. Nhiều khu vực trồng chè truyền thống đã được công nhận VietGAP. Chất lượng chè Thái ngày càng được khẳng định trên thị trường. Tuy nhiên, búp chè Thái Nguyên vẫn “khốn đốn” sau cơn bão chè bẩn cách đây vài tháng bởi nghịch lý: Thương hiệu rất nổi tiếng, nhưng nhận biết sản phẩm lại mù mờ!
Nhãn hiệu có cũng như không
Chè Thái Nguyên đã có chỗ đứng ở thị trường trong nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, bao nhiêu phần trăm cửa hàng bán chè Thái Nguyên “xịn” thì chưa ai khẳng định được.
Ngoài các DN sản xuất, chế biến chè và một số HTX, hộ gia đình in bao bì đóng gói, còn cách mua bán phổ biến nhất hiện nay là thương lái về tận gốc mua chè theo tạ, đóng vào bao tải. Sau đó có thể chè được đóng gói thương hiệu chè Thái Nguyên, in tên, địa chỉ của đại lý chứ không in nguồn gốc nơi sản xuất hoặc vẫn để trong túi nylon bán theo kilôgram cho người tiêu dùng.
Nghịch lý kể trên càng được thể hiện rõ thông qua việc sử dụng nhãn hiệu chung “Chè Thái Nguyên”. Nhãn hiệu chung đang được giao cho HND tỉnh quản lý, để được dán nhãn hiệu DN hay hộ gia đình sản xuất phải có hồ sơ đăng ký, nhật ký sản xuất, diện tích chè… Nghĩa là phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, năm 2008 chỉ có 38 DN và hộ gia đình đăng ký sử dụng dù không mất phí đăng ký. Hiện số lượng DN, HTX và hộ dân sản xuất chè đăng ký sử dụng nhãn hiệu mới lên đến con số 350. Bà Nguyễn Thị Ngà – Chủ tịch HND tỉnh Thái Nguyên cho hay: “Chỉ đến năm 2011, trước khi Festival Trà quốc tế diễn ra tại Thái Nguyên, DN và người dân mới ồ ạt đăng ký. Trước cơ hội quảng bá chè Thái, người sản xuất chè cũng hiểu ra phải kết hợp sản phẩm với nhãn hiệu để người tiêu dùng dễ nhận biết”.
Người dân Thái Nguyên kỳ vọng Festival Trà quốc tế sẽ là cơ hội để quảng bá chè Thái, đồng thời họ cũng nhận ra vai trò quan trọng của mình trong chuỗi sản xuất tạo nên giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên nổi tiếng.
Vinh Hải / Lao Động

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)