Y tế - Văn hóaThư giãn

Chen chân viếng Bà

Tạp Chí Giáo Dục

Dù hôm nay mới đúng ngày chánh lễ, nhưng đêm 13-2, tức 14 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, hàng ngàn người từ khắp các tỉnh, thành đã đến viếng Miếu Bà Thiên Hậu (thường gọi là Chùa Bà Bình Dương).
Chính quyền tỉnh Bình Dương và Ban quản trị Chùa Bà Bình Dương đã thực hiện hàng loạt giải pháp để đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho người tham gia lễ hội. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề cần quan tâm để lễ hội mang đúng ý nghĩa và bình an như hàng ngàn người cầu khấn…
Chánh điện Chùa Bà Bình Dương lúc nào cũng có hàng trăm người thành kính dâng hương, cầu khấn.
Trật tự đã ổn định
Như đã phản ánh từ thời khắc giao thừa năm Giáp Ngọ, hôm qua, người đi viếng Chùa Bà Bình Dương – một trong những lễ hội lớn trong năm tại các tỉnh phía Nam – ở phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương chen nhau từng ly. Điểm đáng ghi nhận đầu tiên là tình trạng an ninh trật tự tại khu vực Chùa Bà Bình Dương đã có một số chuyển biến đáng kể. Càng về đêm, khách vãng lai đổ dồn về tỉnh Bình Dương qua các tuyến đường quốc lộ 13, Đại lộ Bình Dương, ĐT 745… rất đông, nhưng tình trạng ùn ứ đã không xảy ra. Các lực lượng công an, dân phòng, dân quân, bảo vệ dân phố… tại phường Phú Cường và các phường lân cận đã ứng trực sẵn sàng phát hiện và giải quyết sự cố.
Các tuyến đường dẫn vào khu vực Chùa Bà đã được lập hàng rào hạn chế và phân luồng lưu thông từ cách xa cả cây số. Nhờ vậy, khu vực chùa vẫn đông hơn thường ngày, nhưng chưa xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Lối vào khu vực chùa được phân luồng lối ra, vào cho người đi bộ; các phòng tạm đáp ứng yêu cầu thông tin (gọi tên phụ huynh và con em bị thất lạc); tiếp nhận các thông tin an ninh trật tự, y tế, cấp cứu… đã được thiết lập. Hàng chục cán bộ, nhân viên của các lực lượng công an, dân quân, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố liên tục nhắc nhở và giúp đỡ khách vãng lai đốt nhang, bày lễ vật, lối ra vào và ý thức bảo vệ tài sản của mình. Do vậy, tình hình an ninh trật tự tại khu vực dù rất đông, nhưng vẫn đảm bảo khá trật tự.
Tuy nhiên, đến tối, tình trạng chèo kéo khách mua lễ vật, nhang, đèn, vé số… đã diễn ra khá rầm rộ. Cảnh tượng này đã góp phần làm nhếch nhác khu vực lễ hội”. Ban Quản trị chùa tăng cường thêm lực lượng bảo vệ tư nhân vận động, thuyết phục và kiên quyết không cho người bán nhang, đèn, vé số, lễ vật… trà trộn vào khu vực sân lễ, tuy nhiên tình hình trên vẫn không thuyên giảm.
Hàng ngàn người chen chân để được vào viếng Chùa Bà Bình Dương.
Cha 5, mẹ 10 và 20!
Xin nói ngay đó chính là giá giữ xe. Giá này đã tăng theo từng khu vực và càng đến gần khu vực Chùa Bà thì giá càng tăng. Theo truyền thống dân gian, trước khi “ghé Mẹ” (Chùa Bà Bình Dương) khách hành hương sẽ “viếng Cha” (các chùa Ông). Đó là các chùa Ông trải dài từ thị trấn An Thạnh, Lái Thiêu đến phường Phú Cường. Các chùa Ông không đông bằng Chùa Bà và các bãi xe thực hiện khá nghiêm chỉnh bảng giá do chính quyền quy định. Giá giữ ô tô các loại từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng; xe gắn máy 5.000 đồng/xe.
Tuy nhiên, chiều và tối qua, các bãi giữ xe ở khu vực lân cận Chùa Bà đã đồng loạt tăng giá… Vào khoảng 17 giờ, chủ bãi giữ xe ở Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh Bình Dương và một trường học trên đường Cách Mạng Tháng Tám đã ghi thêm dòng chữ “Giữ xe gắn máy 5.000 đồng, nón bảo hiểm 5.000 đồng”. Nghĩa là 10.000 đồng/xe. Chúng tôi sử dụng xe tay ga, có thùng rộng rãi đựng được 2 cái nón bảo hiểm. Do vậy, tôi đề nghị không gửi nón. Anh nhân viên giữ xe cười rất tươi: “Nhưng, nón bảo hiểm để trong xe và tụi em vẫn lấy 10.000 đồng”. Đó là các bãi xe có trưng bảng hẳn hoi, còn ở các lề đường, bãi xe tự phát, trái phép thì nhan nhãn trên các tuyến đường lân cận khu vực Chùa Bà và họ không “ngần ngại” lấy 20.000 đồng/xe gắn máy. Bãi giữ xe gắn máy còn khó khăn, ô tô không thể vào khu vực này và phải dừng đậu cách đó hàng trăm mét. Giá cũng tùy vào… giá trị của xe. Xe loại bình dân, như Matiz, Kia Morning… khoảng 50.000 đồng/xe. Còn dòng xe cao cấp, như: Audi, Land Cruiser… thì gấp đôi.
Tương tự, các cửa hàng ăn uống càng gần khu vực lễ hội giá càng cao và tăng hơn ngày thường khoảng 30% – 40%.
Lễ hội Chùa Bà Bình Dương là nét truyền thống, cõi tâm linh của người dân phía Nam. Cứ vào mùa lễ hội luôn có hàng chục ngàn người đến viếng và bái vọng quốc thái dân an, khẩn cầu những điều tốt đẹp cho tương lai. Tuy nhiên, khu vực chánh điện khá phức tạp. Tại thời điểm này, lúc nào cũng có hàng ngàn người chen chân để khẩn cầu, dâng lễ. Theo ghi nhận, các lực lượng công an, bảo vệ có mặt rất đông trong chánh điện. Ban Quản trị chùa đã tăng cường thêm hệ thống bảo vệ bằng camera.
Tuy nhiên, tình hình móc túi, lấy trộm ĐTDĐ… vẫn diễn ra và chưa có hướng khắc phục triệt để. Bởi lẽ, hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy nhau trong chánh điện và chỉ cần một chút lơ là, thiếu cảnh giác thì họ trở thành nạn nhân. Camera chỉ quan sát trên cao, trong khi bọn tội phạm thì đủ mánh lới tinh vi để thực hiện ý đồ xấu xa của mình. Tại bãi giữ xe, tại sân chùa… chúng tôi đã bắt gặp nhiều nhóm gia đình, bạn bè đã dừng chân nhắc nhở bảo quản tài sản của mình. Không ít nhóm đã cắt cử người ở lại ngoài sân để giữ đồ cho người vào chánh điện. Nhiều vấn đề đang đặt ra như một thách thức với chính quyền để mong sao cho mùa lễ hội thật đúng ý nghĩa và an bình như hàng chục ngàn người đến đây thành tâm cầu khấn.
theo SGGP

 

Bình luận (0)