Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chén trà ngày xuân

Tạp Chí Giáo Dục

Thưởng thức trà trong những ngày xuân là một thú vui không thể thiếu của người Việt Nam. Ảnh: H.T
Trà là một loại hình nghệ thuật ẩm thủy độc đáo của nền văn hóa phương Đông. Nó chiếm vị trí đáng kể và hàm chứa nhiều giá trị nhân bản trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hương trà quyện cùng bầu không khí ấm áp của gia đình dường như không thể thiếu trong những ngày Tết. Bên chén trà, con người có thể chiêm nghiệm ra nhiều điều mới mẻ của cuộc sống, làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú.
Cây trà (chè) có tên khoa học là Camelia Sinensis, được biết đến ở Trung Quốc cách nay mấy ngàn năm. Khởi thủy của trà là khổ thảo (cỏ đắng) – một loại lá thuốc dùng để chữa bệnh có từ thời nhà Hán (206 TCN – 220). Nhưng phải đến đời Đông Hán (25-220) và thời Tam Quốc (220-280 ) thì trà mới chính thức bước chân vào đời sống thường nhật và trở thành thức uống giải khát bất hủ, mang lại lợi ích cho sức khỏe con người nhiều nhất.
Có mặt ở khắp thế giới
Tôn Trung Sơn trong luận văn kiến quốc phương lược 100 năm trước đã nói: “Tựu trà nhi ngôn thị vị tối hợp vệ sinh, tối ưu mỹ chi nhân loại ẩm” (Trà rất hợp vệ sinh, là loại đồ uống rất tốt của nhân loại). Y học ngày nay, chứng minh rằng: trà có tác dụng sinh lý, thanh tâm, minh mục, tỉnh thần, giải độc, phòng chống ung thư và bệnh tim mạch… Nhưng trà nổi tiếng hơn vì việc uống trà được nâng cao thành một thú chơi tao nhã, một loại hình nghệ thuật thưởng thức. Người xưa đã xếp trà vào một trong bảy loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu đó là cầm, kì, thư, họa, thi, tửu, trà.
Trà đã làm một cuộc hành trình ngoạn mục từ Đông sang Tây, chinh phục những kẻ khó tính nhất, từ bậc chí tôn thiên tử đến người nông dân bần hàn. Ngày nay, trà có mặt ở hầu khắp thế giới, mỗi ngày tính ra người ta uống đến cả tỉ chung trà. Đặc biệt ở những vùng “phong, hoa tuyết, nguyệt” người ta vẫn xem trà là chuyện bất khả chia lìa. Tuy nhiên, trong chén trà của nhân loại, từ nghi thức uống trà đến ý nghĩa thưởng thức trà ở mỗi nước có nhiều sự khác biệt, không đồng nhất nhau. Người Trung Quốc xem trà là “chất” khơi nguồn cảm hứng thi ca, kết nối tình bằng hữu. Còn người Hàn Quốc dùng trà để thờ cúng trong dịp lễ hội và giới trí thức thường dùng nó với ý thức có được sự mẫn tiệp. Người Nga với thời tiết lạnh giá nên quan niệm trà là loại thức uống làm ấm tim. Việc thưởng trà ở Nhật thì là một hình thức tôn kính cái đẹp Thiền lý, trong đó các thành viên (trà đồ) tập trung thanh lọc tâm hồn bằng việc tĩnh tại với thiên nhiên.
Trà đạo – di sản văn hóa
Triết lý thưởng trà này đã trở thành một nghi thức luật cao cấp – trà đạo (chado) – mà ngày nay cả thế giới xem như là di sản văn hóa đặc biệt của nhân loại. Ở trà đạo, nghệ thuật uống trà được nâng cao với mong muốn tâm linh người uống trà thăng hoa tột đỉnh, ở đó nó thể hiện một phong cách sống đích thực để khám phá vẻ đẹp thực sự của mọi vật. Đối với người Việt Nam, trà mang dấu ấn của nền văn hóa lâu đời, con người quen thuộc với chén trà từ khi còn nhỏ, uống trà trong mọi khoảnh khắc của đời sống, và trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc.
Uống trà là một hoạt động tinh tế và mang tính xã hội. Thời gian uống trà là thời gian để nghiền ngẫm cuộc đời, để tạm thoát khỏi cuộc sống náo nhiệt. Không phải ngẫu nhiên, có người cho rằng: “Trà là thức uống để quên đi thế giới ồn ào”. Bởi lẽ, bên chén trà sẽ khiến lòng người cảm nhận rõ hơn sự tinh khiết của tâm hồn, thanh đạm của cuộc sống… Những triết lý về sự hòa đồng, bình đẳng đã được người xưa ẩn dụ trong từng động tác pha trà. Việc dâng trà tới khách cũng như thái độ đáp trả đều thể hiện nét ứng xử văn hóa. Có thể nói văn hóa trà chất chứa sự thanh cao, phong độ văn hóa, tình tri âm tri kỉ, xóa đi những hận thù, làm cho con người hòa hợp với nhau…
Với những giá trị độc đáo và đầy tính triết lý, trà mặc nhiên trở thành nguồn cảm hứng của thi nhân, nghệ thuật. Các tao nhân mặc khách dùng trà để suy tư sáng tạo. Bạch Cư Dị tự nhận mình là người của trà, còn Tô Đông Pha thì nói “một ngày không có trà không chịu được”… Trà lưu lại cho hậu thế những vần thơ sâu lắng, trác tuyệt làm lay động lòng người… Đêm đông lạnh lẽo tuyết sương, Nhấp chén trà nóng ấm lòng thi nhân (Đường thi), Non xanh nước biếc tha hồ dạo, Rượu ngọt chè tươi mặc sức say, Kháng chiến thành công ta trở lại, Trăng xưa hạc cũ với xuân này (Hồ Chí Minh)…
Cũng với chén trà, càng ngày con người càng thấy rõ hơn, trà chính là phương tiện tốt nhất giúp con người dụng tâm để tự hoàn thiện. Trong những ngày xuân trà vẫn luôn sẵn sàng, mời gọi, hy vọng mọi người hiểu nhau hơn và cùng gặp nhau trong một tách trà thân ái.
Th.S Nguyễn Hiếu Tín
(Giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM)

Bình luận (0)