Cái đêm 4/10 ấy, lúc lũ bắt đầu lên với tốc độ chóng mặt, nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà trong biển nước, 2 cha con anh Ngô Tam và Ngô Nam đã quên cả mạng sống của mình, cứu gần cả thôn thoát chết.
Anh Ngô Tam đang chạy thuyền du lịch cho VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
Chúng tôi lội bùn băng qua những con đường nhỏ sạt lở tìm đến căn nhà vị cứu tinh của hơn 350 người dân thôn 1 Cù Lạp, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Căn nhà của anh Ngô Tam (45 tuổi) và con trai Ngô Nam (20 tuổi) sau lũ dữ đã không còn lại gì. Những tấm cửa cùng nhiều vật dụng trôi hết ra sông. Mái nhà thủng nhiều chỗ, tường nứt từng đường dài từ trần xuống chân. Lúa, chăn màn chiếu ướt hết, cả nhà run lên vì đói. Nhiều người được 2 cha con anh cứu sống trong đêm lũ định mệnh ấy vẫn đang tới thăm ân nhân của mình.
“Vào 7 giờ tối mồng 4, nước cuồn cuộn dâng, nhà chúng tôi bắt đầu ngập. Vội cứu 1 ít đồ đạc thiết yếu, cất lên gác mái xong thì nước đã lên quá ngực. Đưa vợ và 3 đứa con lên ngồi gần nóc thì chúng tôi nghe hàng loạt tiếng kêu cứu từ bên kia sông ở thôn 1 Cù Lạp. Đó là chỗ thấp trũng nhất, nước lại chảy xiết, tính mạng mọi người đang lâm nguy. Ngay lập tức, tôi liền gọi thằng Nam, chú Ngô Nhất bơi ra thuyền đang neo ở sông và vượt sông cứu hàng xóm”, anh Ngô Tam bắt đầu câu chuyện.
Anh Tam và Nhất người chống, người chèo, thuyền lắc mạnh giữa dòng nước cuồn cuộn. Trời tối đen, mưa to không ngớt và chỉ có tiếng khua chèo mạnh trong nước lũ. Không có một chiếc áo phao nào, duy chỉ có lòng dũng cảm của những con người đầy lòng nhân ái. Sau hơn nửa tiếng vượt sông, thuyền đã qua thấu nơi rốn lũ.
Con thuyền nhỏ và người hùng đã cứu mấy trăm người thoát chết
“Người đầu tiên tôi cứu là nhà anh chị Châu, Chúc. Cả 4 người đang kẹt dưới mái tôn. Tiếng khóc, thét, kêu cứu, cầu trời đất lẫn tiếng đập mái của những người sắp chết đã khiến tôi khó cầm nước mắt. Dùng hết sức xé tôn, tôi lần lượt lôi từng người ra. Mực nước trong nhà đã gần chạm nóc, chỉ chậm một chút nữa là cả nhà chết vì ngạt nước”, anh Ngô Tam kể.
Đưa gia đình đầu tiên này đến căn nhà 2 tầng cách đó gần 1km, thuyền quay trở lại tiếp tục vận chuyển dân. Vì diện tích nhỏ nên thuyền không chở quá được 10 người. Nhưng lần lượt, từng nhóm một đã được đưa xuống thuyền. 7 người ngồi trên mái nhà khóc than vì sợ chết, cháu nhỏ lặn xuống nhà đã ngập hết để lấy tiền cho mẹ hay cả những người bị sốt nặng, gần ngất xỉu, ngạt nước… đều đã được cứu.
Chính anh Tam cũng có lần suýt chết trong đêm đó. “Có một nhà khi tôi nhảy xuống đã bị suýt chìm dưới đáy nước. Nước cao và xoáy đã tạo một lực hút. Tôi bị hút xuống đáy ngôi nhà, chân lại mắc thêm một sợi dây. Nín thở và cố gắng gỡ, hơn 5 phút tôi may mắn thoát lên được”.
Ngô Nam hiện làm nông, sống cùng ba mẹ.
Đã 5 ngày trôi qua, đồ ăn trong nhà những “người hùng” này cạn kiệt. Sáng 8/10, vì quá đói anh Tam đành lên Ủy ban xã Sơn Trạch xin một ít gạo nhưng cán bộ xã lắc đầu nói: “Xin chờ thêm vài ngày nữa”.
|
Thuyền các anh đưa đầy người cập bến những căn nhà cao tầng cho đến lúc bình minh. 4h30 sáng hôm sau, khi không còn tiếng kêu cứu nữa, 3 anh em – bố con mới về nhà trong tình trạng kiệt sức.
Vợ anh Tam, chị Nguyễn Thị Xuân khi thấy chồng, con về đã mừng khóc như mưa. Sau khi ăn vội lót dạ, lại bỗng nghe những tiếng kêu cứu, cha con anh Tam lại vội nhảy ra thuyền, đi cứu thêm được 15 người nữa.
Có hơn 350 người đã được cứu thoát nhờ sự dũng cảm của cha con anh Tam và anh Ngô Tôn. “Một gia đình sau khi được cứu đã dúi vào tay tôi 1 triệu đồng nhưng tôi từ chối, nói có gì sau lũ qua lại thăm hỏi tôi là vui rồi, tình bà con trong cơn hoạn nạn có gì mà tính công”, anh Tam cười rổn rảng.
Còn Nam tâm sự: “Em nghe họ khóc mà chịu không nổi, nước mắt cứ ứa ra. Cứu được người nào xong, trong lòng em thoải mái như xây được căn nhà 7 tầng. Đó cũng là động lực để em đi cứu tiếp những người khác”.
Riêng căn nhà anh Ngô Nhất đã bị đổ do nước chảy quá mạnh. Trong lúc anh đi cứu người, vợ và con đã không thể chống chọi được với sức mạnh của cơn lũ. Nhà đổ, mẹ con dắt díu nhau qua nhà cao lánh nạn.
Cũng vì dồn hết sức và thời gian cứu người mà gia đình anh Tam đã không còn gì để ăn và mặc. Một vài củ sắn, củ khoai vùi hay nắm cơm cùng những lời cảm ơn chân tình từ người bị nạn được nhà anh cứu trong đêm 4/10 là món quà ấm áp mà anh có được trong chuỗi ngày khó khăn đang tiếp tục diễn ra.
Đại Dương (dantri)
Bình luận (0)