Đã là học sinh (HS) thì không ai không bị thầy cô giáo phạt ít nhất một lần trong đời; hình phạt nhẹ nhàng nhất mà thầy cô thường áp dụng là cho HS chép phạt mỗi khi không thuộc bài học với mong muốn: Ngoài việc răn đe cho HS cố gắng học tập còn nhằm mục đích “để lỗi sai khi được sửa thành đúng sẽ nhớ mãi trong đầu”. Thậm chí nhờ bị chép phạt mà HS không bao giờ quên được bài học đó. Hình phạt mà giáo viên đưa ra có thể là cho chép lên đến 100 lần bài học mà HS không thuộc, không làm được. Theo đó, HS nào mà bị phạt thì không có một phút rảnh rỗi để đi chơi vì phải gồng lưng viết phạt. Tuy nhiên cũng có trường hợp HS vừa nộp bài chép phạt ngày hôm trước thì hôm sau không chịu học bài lại bị giáo viên tiếp tục phạt nữa, riết rồi trở nên lì lợm không sợ thầy cô vì “lờn thuốc”. Tôi nhớ thời mình còn học tiểu học, trong trường có thầy Danh nổi tiếng… khó, HS rất ớn mỗi khi bị thầy bắt chép phạt. Thầy không cho HS chép phạt nhiều mà chỉ chép phạt có một lần duy nhất nhưng ai cũng rất sợ và từ đó răm rắp tự giác học để khỏi vi phạm. Đó là thầy cho HS viết bài phạt trên lá chuối khô, mà lá chuối khô thì trơn, không có hàng nên rất khó viết; khi viết mực không “ăn” nên viết suốt ngày cũng không xong một bài. Bây giờ, nhắc lại cảnh chép phạt đã qua hơn 40 năm như vậy, bạn bè tôi còn thấy sợ trong lòng.
Trần Văn Tám (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)
Bình luận (0)