Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka (do Thành đoàn và ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức) lần thứ 11 năm 2009 đã trao giải nhì cho công trình “Văn hóa hẻm ở địa bàn quận 11” của sinh viên Đinh Thị Thanh Trúc (khoa Châu Á – Thái Bình Dương, ĐH Quốc tế Hồng Bàng). Ngay sau khi giải thưởng được công bố, nhiều báo đã có bài viết về cô sinh viên dám xông pha vào một đề tài nghiên cứu độc đáo với những phát hiện lạ từ các con hẻm. Thế nhưng, sự thật của tính phát hiện trong công trình này là gì?
Đề tài NCKH “Văn hóa hẻm ở địa bàn Q11” và sách “Văn hóa hẻm phố Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh”.
|
Xem lại sách “Văn hóa hẻm phố Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh” sẽ thấy rất nhiều điểm trùng hợp với công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên Thanh Trúc. Tập sách này là kết quả nghiên cứu của dự án “Bảo tồn và phát triển các tiểu văn hóa ở hẻm phố trong quá trình cải tạo TPHCM” do Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển thực hiện trong hai năm 2006-2007. Sách được xuất bản vào năm 2007 (Nhà Xuất bản Tổng hợp TPHCM) với các đồng chủ biên là PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa (đồng thời là tác giả) và nhóm tác giả.
Trong công trình NCKH của mình, ngoài 3 trích dẫn với chú thích đúng quy cách trong các trang 3, 9 và 18 có nêu rõ nguồn từ sách “Văn hóa hẻm phố Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh” trong phần “Lịch sử nghiên cứu vấn đề”, những phần sao chép y chang còn lại, tác giả đều không trích dẫn. Không chỉ bản tóm tắt của công trình NCKH mà nguyên bản của công trình này cũng chép nguyên văn từ sách, thậm chí cả dấu chấm, phẩy, ngắt đoạn, xuống dòng cũng giống hệt nhau.
Cụ thể phần khái quát “Văn hóa hẻm ở địa bàn TPHCM” trong sách đã được sinh viên Thanh Trúc viết lại hoàn toàn ở trang 12, 13. Về nội dung phân loại hẻm phố ở quận 11 cũng được sinh viên Thanh Trúc chép lại cả đoạn văn từ sách. Phần “Thực trạng văn hóa hẻm ở quận 11” (chương III) sử dụng phần lớn nội dung trong các trang 107, 159, 160, 162, 163, 164, 165, 110, 111, 112, 113 của cuốn sách. Phần quan trọng nhất là “Những giải pháp cho một không gian văn hóa hẻm” cũng được bê nguyên xi từ sách.
Có thể dẫn chứng một số đoạn được cô sinh viên này chép 100% từ sách ở các trang 114, 115, 116: “Việc quy hoạch không gian công cộng, tạo dựng không gian sinh hoạt cộng đồng trong từng hẻm phố là cách để giữ gìn những giá trị văn hóa của hẻm phố Sài Gòn vì chính không gian giao tiếp cộng đồng có vai trò quyết định đến tình cảm thân thiện của cư dân, làm cho người dân gắn bó với nhau hơn… Vì vậy, nâng cấp không gian công cộng nơi hẻm phố và các hình thức sinh hoạt cộng đồng chính là nâng cấp chất lượng sống của người dân. Một không khí chan hòa, đầm ấm, an ninh nơi hẻm phố sẽ làm cho người dân gắn bó và tự hào hơn…”.
Chúng tôi đã tìm gặp tác giả của công trình NCKH “Văn hóa hẻm ở địa bàn quận 11”, đại diện Ban Tổ chức giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka và đại diện nhóm tác giả sách “Văn hóa hẻm phố Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh” để làm rõ những đoạn giống nhau đến kỳ lạ giữa hai “công trình nghiên cứu” này.
Sinh viên ĐINH THỊ THANH TRÚC: Muốn bạn đọc biết đến sách của cô Quỳnh Trân
Tôi phải cảm ơn cô Quỳnh Trân rất nhiều vì cuốn sách của cô là một tài liệu tham khảo có giá trị, khiến tôi tự tin hơn khi bắt tay vào công trình nghiên cứu của mình. Trong đề tài của mình, có những đoạn tôi lấy hoàn toàn nội dung trong cuốn sách nhưng tôi chỉ nghĩ đơn thuần đó là cơ sở, lý thuyết để tôi nghiên cứu thực tế. Đúng theo nguyên tắc thì tôi phải đóng ngoặc, chú thích những đoạn sử dụng của cô Quỳnh Trân nhưng trong phần “Lịch sử nghiên cứu đề tài” tôi đã đề cập tới quyển sách trên. Cần phải khẳng định rằng, khi thực hiện đề tài này, tôi không hề có suy nghĩ gian lận, ăn cắp kiến thức của người khác làm đề tài của mình mà chỉ coi cuốn sách đó làm cơ sở nghiên cứu.
Trong phần giải pháp, tất cả các giải pháp tôi đều “lấy” của cô Quỳnh Trân nhưng trước đó, trong những buổi thuyết trình bảo vệ đề tài, tôi đều nhấn mạnh, đây là những giải pháp không phải tự bản thân tôi nghĩ được.
Hơn nữa, tôi cũng muốn qua đề tài này, bạn đọc sẽ biết đến cuốn sách của cô Quỳnh Trân đồng thời muốn giới thiệu những giải pháp đó để chính quyền địa phương có thể áp dụng vào việc cải tạo, nâng cao cuộc sống của cư dân trong hẻm. Tôi xin nhận thiếu sót là không chú thích đầy đủ những phần trích dẫn. Đây sẽ là bài học quý báu cho tôi.
Ông TRẦN QUANG ÁNH, đại diện nhóm tác giả sách “Văn hóa hẻm phố Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh”: Nghiên cứu khoa học phải trung thực
Khi biết Trúc bắt đầu nghiên cứu tề tài khoa học “Văn hóa hẻm ở địa bàn quận 11”, chúng tôi rất hoan nghênh và tặng cô ấy cuốn sách này làm tài liệu tham khảo. Đến tháng 2-2010, tôi vô tình đọc bài báo trên báo Tuổi Trẻ viết về đề tài NCKH của Trúc với nhan đề “Tìm hồn cho hẻm” và bất ngờ vì những điều Trúc trích dẫn trong công trình của cô quá trùng lắp so với quyển sách của chúng tôi. Có những đoạn, Trúc sửa lại rất ngô nghê. Chẳng hạn, chúng tôi viết: “Trên địa bàn TPHCM không có nhiều dạng hẻm này” thì Trúc sửa lại thành “Trên địa bàn quận 11 không có nhiều dạng hẻm này”… Riêng phần giải pháp, Trúc nêu lại hoàn toàn giải pháp của chúng tôi.
Tôi hiểu những khó khăn của các bạn sinh viên trong quá trình nghiên cứu khoa học, do vậy, chúng tôi sẵn sàng đồng hành hỗ trợ các em. Nếu trong quá trình nghiên cứu, Trúc trao đổi với chúng tôi thì chắc chắn Trúc sẽ được hướng dẫn nghiên cứu những khía cạnh mới mà chúng tôi chưa khai thác hết. Nhưng Trúc đã không trung thực ngay từ đầu.
Euréka là giải thưởng có uy tín, mang tính động viên, khích lệ phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nhưng tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc phải xuất phát từ sự đam mê, sáng tạo và lòng trung thực. Có như vậy, mọi giải thưởng mới xứng đáng và có ý nghĩa.
Ông NGUYỄN CÔNG TĨNH, Thường trực Ban Tổ chức giải thưởng: Chưa có quy chế về trích dẫn
Đề tài “Văn hóa hẻm ở địa bàn quận 11” của sinh viên Đinh Thị Thanh Trúc được BTC đánh giá cao dựa trên các tiêu chí như mục đích, ý nghĩa, khả năng ứng dụng của đề tài, tính sáng tạo, tư duy của sinh viên… nên chúng tôi quyết định trao giải nhì (không có giải nhất cho đề tài nghiên cứu thuộc nhóm ngành khoa học xã hội). Không lâu sau, chúng tôi nhận được đơn thư phản ảnh của PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân và đã yêu cầu tác giả Đinh Thị Thanh Trúc làm bản tường trình. Trong bản tường trình của mình, Thanh Trúc đã nhận lỗi và cho rằng đây sẽ là bài học lớn cho cá nhân cô.
Theo tôi, đề tài trên đã đảm bảo tính trung thực vì trong phần “Lịch sử nghiên cứu vấn đề” và phần chú thích tài liệu tham khảo tác giả có đề cập đến cuốn “Văn hóa hẻm phố Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh”. Còn việc tác giả tham khảo, trích dẫn bao nhiêu phần trăm trong tài liệu thì từ trước đến nay BTC không có quy chế quy định.
|
H.Hoa – T.Hợp / SGGP
Bình luận (0)