Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Chết” vì hàng tồn, lãi vay

Tạp Chí Giáo Dục

Phần lớn doanh nghiệp không bán được hàng nên không có khả năng hấp thụ vốn, một số doanh nghiệp có nhu cầu vay lại gặp trở ngại bởi lãi suất quá cao

Ngày 7-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức buổi họp lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp (DN) về tình hình sản xuất, kinh doanh và việc vay vốn tín dụng ngân hàng (NH). Đề xuất của DN sẽ được đoàn phản ánh lên Quốc hội tại kỳ họp bắt đầu vào  ngày 20-5 tới đây.
Chờ hoài chưa thấy giảm lãi vay
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM Phạm Ngọc Hưng, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động thời gian qua tương đương với số lượng DN mới thành lập là điều không tốt cho nền kinh tế. Đáng báo động hơn là tình trạng DN ngày càng yếu đi. Số lượng DN báo cáo kết quả kinh doanh lỗ chiếm tới 70%-80% cho thấy DN ngày càng suy kiệt, nếu không có biện pháp hỗ trợ sẽ lâm vào tình trạng giải thể, phá sản.
 
Doanh nghiệp mong đợi lãi suất cho vay trung hạn sẽ giảm thêm. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Eximbank.
 Ảnh: HỒNG THÚY
Nguy hiểm hơn, theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, DN chết hàng loạt trong 2 năm qua và kéo dài đến nay nhưng các báo cáo của cơ quan quản lý vẫn lạc quan. Trong khi đó, cơ chế, chính sách chắp vá, cắt khúc thời gian qua đang làm lòng tin của DN sụt giảm, bất an. “Nguy cơ khủng hoảng lòng tin của DN và người dân đang hiện hữu. Ngay cả DN nước ngoài cũng chần chừ đầu tư. Vì vậy, quan trọng lúc này phải xây dựng được lòng tin trở lại cho DN, người dân” – ông Minh đề xuất.
Tại cuộc họp, câu chuyện lãi suất vẫn là vấn đề nóng. Theo ông Hưng, lãi suất huy động giảm nhiều nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. Các NH nói cần độ trễ nhưng hơn 1 năm qua rồi mà vẫn cần độ trễ thì đến bao giờ, trong khi DN gặp khó khăn về hàng tồn kho, sức mua sụt giảm mạnh không dám tiếp tục vay vốn NH hoặc muốn vay nhưng không còn tài sản thế chấp.
 Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TPHCM, cho biết: “Nhiều DN nhỏ và vừa đang trở về thời điểm khoảng năm… 1996 khi họ thu hẹp mặt bằng sản xuất, lắp máy móc giá rẻ, tận dụng người nhà làm lao động và chỉ sản xuất những sản phẩm rẻ tiền, dễ bán. DN đang đi lùi và tồn tại như “rắn đang cắn vào đuôi của chính mình” – ông Việt Anh cảnh báo.
 Theo các DN, trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 10%-12%/năm là chấp nhận được nhưng lãi suất cho vay trung – dài hạn vẫn từ 15%-16%/năm là quá cao. Ngay lãi suất vay USD hiện từ 6%-7%/năm cũng quá cao, các nước trong khu vực chỉ phải vay với lãi suất khoảng 2%/năm, làm giảm sức cạnh tranh của DN trong nước.
Vốn ngân hàng chảy vào đâu?
Theo ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, NH đang tồn kho tiền vì không cho vay được, trong khi DN tồn kho hàng hóa không bán được. Ông Phạm Ngọc Hưng đặt vấn đề: NH huy động vào nhưng không cho vay ra được, dòng tiền chảy đi đâu hay NH huy động tiền gửi của người sau để trả cho người trước?
Câu hỏi trên cũng được đặt ra tại hội thảo: Tín dụng NH phục vụ tăng trưởng kinh tế, diễn ra cùng ngày ở Hà Nội. Theo số liệu của NH Nhà nước, tổng huy động vốn của hệ thống NH 4 tháng đầu năm tăng 5,34%, tương đương 140.000 tỉ đồng nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,4%. Chuyên gia kinh tế TS – Nguyễn Trí Hiếu phân tích có 1/3 tiền huy động chảy vào trái phiếu (hơn 50.000 tỉ đồng), gần 1/3 cho vay DN, dân cư và số còn lại là dự trữ trong các NH thương mại. Vấn đề lớn đang đặt ra cho nền kinh tế là xử lý điểm nghẽn thế nào để đẩy được tín dụng, phục vụ tăng trưởng kinh tế. Theo ông Hiếu, không thể để xu hướng NH đầu tư vào trái phiếu tiếp tục tăng vì NH không phải kênh tạo vốn cho Chính phủ.
Viện Nghiên cứu khoa học NH công bố báo cáo cho thấy gần đây có hiện tượng tăng trưởng tín dụng kém nhạy cảm với lãi suất. Lãi suất cao cũng khó cản DN tìm mọi cách vay vốn và ngược lại, lãi suất dù thấp cũng không kích thích được DN vay vốn. Nguyên nhân chính của việc “ế” tiền là do DN không bán được hàng, không có khả năng hấp thụ vốn.
 TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng lối ra cho tín dụng lúc này là NH phải đẩy mạnh cho vay tín chấp với điều kiện cơ bản của người vay vốn là có báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập và minh bạch sử dụng nguồn vốn vay. Nếu tiếp tục đòi hỏi thế chấp, cung – cầu tín dụng không thể gặp nhau và dòng tiền vẫn tắc.
Nên chấm dứt đấu thầu vàng
Chiều 7-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế về quản lý thị trường vàng. Chuyên gia kinh tế – TS Phạm Đỗ Chí đặt vấn đề: Dù đã bán ra hơn 14 tấn vàng (tính đến phiên đấu thầu vàng thứ 13), giá vàng vẫn chênh lệch lớn với thế giới vì mức cầu quá lớn. NH Nhà nước sẽ có 3 giải pháp: Nếu ngưng đấu thầu, giá vàng sẽ hỗn loạn và giá trong nước tăng mạnh so với thế giới. Nếu NH Nhà nước tiếp tục bán vàng từ khối vàng dự trữ sẽ làm dự trữ vàng cạn dần. Ở kịch bản cuối, nếu NH Nhà nước nhập khẩu vàng về bán ra thị trường thì sẽ tiêu hao dự trữ ngoại hối…
Theo các chuyên gia kinh tế, việc đấu thầu vàng đang làm tăng vàng hóa trong nền kinh tế và mâu thuẫn với chủ trương chống vàng hóa của chính NH Nhà nước. Do đó, NH Nhà nước nên sớm chấm dứt đấu thầu vàng và tìm biện pháp thị trường thay vì can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính.
Theo NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)