Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chi 1,5 triệu USD “chạy” vào Quốc hội: Không thể nếu làm đúng quy trình

Tạp Chí Giáo Dục

Những ĐBQH bị bác tư cách ĐBQH thời gian qua là minh chứng cho sự chưa làm tròn trách nhiệm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc xem xét, đánh giá, chọn lọc.

Quy trình chặt chẽ

Trước những thông tin mà dư luận đang đồn thổi về việc bà Châu Thị Thu Nga chi 30 tỷ để trở thành ĐBQH khóa XIII, ông Huỳnh Văn Tiếp nguyên trưởng đoàn ĐBQH đoàn Cần Thơ đã phân tích rõ vụ việc dựa trên những quy tắc chung của một đại biểu tự ứng cử.

Cụ thể, người tự ứng cử sẽ tự nộp hồ sơ ứng cử tại địa phương hoặc Hội đồng bầu cử Quốc gia. Sau khi hoàn thành hồ sơ tại các Ủy ban bầu cử các cấp tỉnh, thành phố, các đơn vị này có trách nhiệm xem xét chuyển hồ sơ của những người tự ứng cử tới Ủy ban MTTQ cùng cấp để nghiên cứu, đưa vào hiệp thương vòng 2.

Trải qua vòng hiệp thương thứ 2, nếu đủ điều kiện, MTTQ sẽ thỏa thuận, hiệp thương và lập danh sách sơ bộ những người ứng cử.

Tiếp theo, toàn bộ hồ sơ sẽ được chuyển về UB MTTQ VN cùng cấp để tiến hành hiệp thương lần 3 và thỏa thuận lập danh sách những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn và gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc UBBC cùng cấp. Sau đó, Hội đồng bầu cử sẽ lập danh sách chính thức các ứng cử viên.

Theo ông Tiếp, giai đoạn xem xét, hiệp thương, chọn lọc, là giai đoạn quan trọng nhất. Bởi lẽ, nếu giai đoạn này được làm đúng, chọn lọc kỹ sẽ lựa chọn được người có năng lực thật sự, có đức, có tài, có tâm để trở thành ĐBQH.

Chi 1,5 trieu USD
Bà Châu Thị Thu Nga

Những người đại biểu có tài, có đức, có tâm khi tham gia ứng cử ĐBQH sẽ không đặt mục tiêu lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của quốc gia, của dân tộc. ĐBQH là đại diện cho một tiếng nói của người dân, do đó, khi xem xét, hiệp thương MTTQ và chính quyền địa phương phải dựa trên tiêu chí này để đánh giá và có giải thích đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của một ĐBQH khi tham gia ứng cử ĐBQH.

Tuy nhiên trên thực tế, ông Huỳnh Văn Tiếp đánh giá quá trình xem xét, đánh giá, chọn lọc ĐBQH tự ứng cử của MTTQ cấp địa phương còn có nơi chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp cho biết, bản thân ông cũng như nhiều ĐB khác đã phản ánh, than phiền về chuyện chất lượng ĐBQH chưa cao. Nhiều ĐBQH vào Quốc hội chỉ ngồi "thiền", cả kỳ họp không đưa ra được ý kiến phát biểu nào.

Những ĐBQH bị bác tư cách ĐBQH thời gian qua là minh chứng cho sự chưa làm tròn trách nhiệm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc xem xét, đánh giá, chọn lọc.

''Không loại trừ có những mục đích khác được che giấu bởi cái danh ĐBQH, vào Quốc hội làm lợi cho cá nhân mình. Hiện tượng trên, nếu có, thì là một điều đáng tiếc'' ông Huỳnh Văn Tiếp bày tỏ.

Trưởng đoàn ĐBQH Cần Thơ cho biết, đã có những doanh nghiệp làm đủ mọi cách, thậm chí bỏ tiền ra để tranh thủ, vận động địa phương, vận động MTTQ, tranh thủ những người có trách nhiệm của địa phương, các đoàn thể địa phương để huy động sự ủng hộ cho họ.

Theo ông Tiếp, để tránh xảy ra hiện tượng trên, vai trò của Ủy ban thường vụ tỉnh ủy các cấp, MTTQ các cấp phải thể hiện rõ ràng hơn, phải trực tiếp chịu trách nhiệm về việc này.

Về vụ việc bà Châu Thị Thu Nga, ông Tiếp cũng đề nghị phải xem xét nghiêm túc để có câu trả lời chính xác với công luận.

Kiểm chứng ngay

Trước đó, sáng 8/9, trả lời báo chí bên hành lang hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về thông tin bà Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc hội khoá XIII khai đã chi 1,5 triệu USD (tương đương 30 tỷ đồng) để ''chạy'' vào Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội chưa nhận bất cứ thông tin nào về việc này. Thông tin này cũng chưa được kiểm chứng vì đang chờ cơ quan công an điều tra.

Chi 1,5 trieu USD
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

''Nếu có thông tin thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội. Phải làm rõ đưa ai tiền, đưa bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời.'', ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng đặt câu hỏi, một khoản tiền lớn như thế chạy vào Quốc hội làm gì, giải quyết được vấn đề gì?

''Tôi không tin có chuyện chạy tiền vào Quốc hội, nhất là với khoản tiền lớn thế. Nhiều người nói để đeo mác đại biểu Quốc hội, nhưng mác đó để làm gì khi pháp luật không loại trừ ai, ai vi phạm cũng đều bị xử lý.'', Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định.

Từ các trường hợp của bà Châu Thị Thu Nga và ông Trịnh Xuân Thanh, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, đây là vấn đề mà trong quá trình hiệp thương xem xét, phải yêu cầu sự trung thực.

''Qua những vụ việc này, tới đây phải làm tốt công tác thẩm tra, đó là bài học về công tác quản lý công tác hiệp thương, thẩm tra, quản ký hồ sơ lý lịch của đại biểu Quốc hội.'' ông Phúc nêu rõ.

Dẫn chứng trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, chỉ sau khi có kết quả bầu cử rồi mới bất ngờ phát hiện sai phạm nhưng đã được xử lý ngay. ''Quốc hội rất rõ ràng, ngày hôm nay không phát hiện được nhưng ngày mai phát hiện vẫn kiên quyết xử lý. Chúng tôi không sợ mất uy tín mà không xử lý.'' ông Phúc nhấn mạnh.

 

Hà Lan/ PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)