Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chi 10 tỷ cho chương trình quốc tế “chấm điểm”HS Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam sẽ chi gần 10 tỷ đồng để tham gia chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của HS (PISA) vào năm 2012. Chương trình này được kỳ vọng sẽ “bắt mạch” nền giáo dục phổ thông, từ đó giúp hoạch định chính sách và chiến lược giáo dục Việt Nam.
HS Trường THCS Đống Đa, Hà Nội.
Ảnh: Bảo Anh
Đó là lộ trình được Bộ GD-ĐT thông tin trong hội thảo về PISA tổ chức chiều 13/4 tại Hà Nội.
Từ tháng 5 đến tháng 9/2009, sẽ thử nghiệm tại 2 thành phố lớn để rút kinh nghiệm. Sau đó mở rộng thử nghiệm vào năm 2010 để có thể tham gia chính thức vào năm 2012.
PISA là chương trình đánh giá quy mô toàn cầu, tổ chức 3 năm một lần, nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng trong 3 lĩnh vực: đọc hiểu, toán học và khoa học của HS ở tuổi 15.
Điểm đặc biệt của chương trình là chỉ sử dụng một bài kiểm tra duy nhất cho HS ở độ tuổi 15 ở tất cả các quốc gia, không dựa vào nội dung các chương trình giáo dục ở từng nước hay lớp học của HS. Nội dung đánh giá được xác định dựa trên kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này.
Cho tới nay, đã có hơn 60 nước tham gia, chủ yếu là các nước phát triển.
Theo ông Đỗ Tiến Đạt, thành viên nhóm nghiên cứu PISA của Viện Khoa học Giáo dục thì một khó khăn của Việt Nam là kiến thức trong đề trắc nghiệm không hoàn toàn xa lạ với HS nhưng cách thức ra đề và đánh giá của PISA thì HS rất khó đạt kết quả cao.
Vì thế, một số chuyên gia kiến nghị Việt Nam cần tiến hành giới thiệu, bồi dưỡng cho HS làm quen với phương pháp thi này.
PISA là Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Program for International Student Assesment) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Cooperation and Development), viết tắt là OECD
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) phản biện: “Đây không phải kỳ thi kiểm tra, cũng không phải luyện thi. Nếu tiến hành ôn luyện thì sẽ gây nhiễu kết quả.”
Vì thế, ông Hùng đề xuất không cần thiết thử nghiệm mà cần làm sớm để điều chỉnh chiến lược giáo dục.
Đồng tình với ông Hùng, bà Nguyễn Thị Thái, Phó Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho rằng, không nên trì hoãn để luyện tập cho HS. Để tránh bệnh thành tích, sẽ có ban tổ chức độc lập lựa chọn ngẫu nhiên bất kỳ HS nào trong độ tuổi 15.
Như vậy, kể cả các em HS 15 tuổi nhưng mới học lớp 6 hay đang học ở trung tâm GDTX, trường TCCN đều có thể được lựa chọn tham gia.
Ông Đỗ Tiến Đạt khẳng định: “Sự chuẩn bị trước chỉ giúp các em làm quen với phương pháp làm bài kiểm tra đánh giá của chương trình này chứ không phải một kiểu luyện “gà nòi” để đi thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long nhận định: “Khi tham gia sân chơi quốc tế, muốn biết năng lực giáo dục phổ thông của Việt Nam đang nằm ở đâu, chúng ta không có yếu tố định lượng. Kết quả PISA có thể giúp điều chỉnh chiến lược giáo dục ở từng quốc gia, trong đó có Việt Nam".
“PISA là một cú sốc với tất cả các nước, sẽ “đánh thức một cách thô bạo” và lay chuyển toàn bộ hệ thống giáo dục. Chẳng hạn như nước Đức vốn là niềm tự hào của giáo dục châu Âu nhưng lại không đạt kết quả cao khi đánh giá qua chương trình PISA", ông Hùng bày tỏ.
Lan Hương (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)