Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chỉ 1/3 lao động cả nước qua đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức hội nghị “Dạy nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp” theo hình thức trực tuyến tại 4 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, lực lượng lao động cả nước hiện nay vào gần 47 triệu người, trong đó có tới 45,6 triệu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân. Cơ cấu chuyển dịch lao động tiếp tục diễn tiến theo chiều hướng giảm dần trong khối nông nghiệp, tăng trong khối công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, điều đáng nói là lao động qua đào tạo mới chỉ chiếm khoảng 1/3 số lao động trong độ tuổi làm việc.

Giờ thực hành của Trung tâm Dạy nghề Q.10Tại hội nghị, nhiều đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề, cơ quan quản lý dạy nghề ở các địa phương trên cả nước đều đồng tình cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phát triển, cần phải chuyển đào tạo từ hướng cung sang hướng cầu, đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Ông Dương Đức Lân, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, một số tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện việc này từ rất lâu, thậm chí các đơn vị có tiềm lực còn mở trường dạy nghề. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp khác lại không coi việc các trường đào tạo nhân lực là phục vụ cho mình, vì thế mối quan hệ giữa các trường và doanh nghiệp còn rất lỏng lẻo, cả về quyền lợi và trách nhiệm. Nhiều đại biểu nhấn mạnh, đã đến lúc phải xác định lợi ích và trách nhiệm của đầy đủ các bên, từ lợi ích và trách nhiệm của người học, của cơ sở đào tạo, đến lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp và của xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, đã đến lúc các doanh nghiệp vì lợi ích của mình phải cùng vào cuộc, tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực. Phó thủ tướng nhấn mạnh, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp là vấn đề đã được quán triệt từ lâu, tuy nhiên, chúng ta làm chưa tốt do làm chưa đúng quy luật, cả về công tác quản lý, cũng như công tác quy hoạch chưa đồng bộ, cần phải nhanh chóng khắc phục, và đặc biệt là phải làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực.

Cũng tại hội nghị, Tổng cục Dạy nghề đã ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng nhân lực cho các tập đoàn kinh tế và tổng công ty lớn gồm Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Theo tính toán, nhu cầu lao động của 6 doanh nghiệp này trong giai đoạn 2008-2012 lên tới khoảng 90.000 người, trong đó, riêng trình độ cao đẳng nghề đã cần đến 24.000 người.

Huỳnh Sangtc "Huyønh Sang"

Bình luận (0)