Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Chi 15.000 tỉ cho nghiên cứu khoa học: hiệu quả đến đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Khoa học và công nghệ được ưu tiên dành đến 2% tổng chi ngân sách hằng năm. Như năm 2012 dành khoảng 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực này. Thế nhưng, vì sao “gặt” chưa tương xứng với những gì đã “gieo”?
Bộ trưởng Nguyễn Quân – Ảnh: VIỆT DŨNG (Tuổi Trẻ).
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ NGUYỄN QUÂN nói:
– Đúng như đại biểu Quốc hội nói cảm thấy không nhìn rõ hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ (KHCN). Việc này nguyên nhân chủ yếu là đầu tư chưa đủ mức, chưa đúng mục đích. Chúng ta hình dung trong 2% ngân sách nhà nước (khoảng 15.000 tỉ đồng) chi cho KHCN, thì 90% trong số này dành cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên.
Tức nguồn này chủ yếu để nuôi sống bộ máy các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước (hơn 60.000 người làm nghiên cứu khoa học và 1.600 tổ chức KHCN từ trung ương đến địa phương) và đầu tư trang thiết bị…, trong khi phần dành cho hoạt động nghiên cứu chỉ 10% thôi (của 15.000 tỉ đồng) và chi cho tất cả các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ đến cấp tỉnh, cấp cơ sở…
Kinh phí nói trên dàn trải và đấy là hiện thực ai cũng có thể nhìn thấy. Nguồn ngân sách thì ít trong khi số người và số tổ chức rất lớn. Chính vì thế mà không có điều kiện tập trung đầu tư cho một sản phẩm nào cho đến khi trở thành sản phẩm chủ lực của quốc gia được. Tất cả các nghiên cứu bị cắt khúc hoặc dàn trải.
* Theo bộ trưởng, giải pháp nào để không còn lặp lại bất cập trên?
– Chính vì vậy việc sửa đổi Luật KHCN lần này phải điều chỉnh những bất cập nói trên. Muốn làm được việc đó phải có người được giao thẩm quyền. Bộ KHCN phải được giao thẩm quyền đề xuất với Bộ Kế hoạch và đầu tư phân bổ nguồn kinh phí đầu tư phát triển ở lĩnh vực KHCN (chiếm 40% kinh phí dành cho lĩnh vực này). Cần phân bổ vào những chỗ nào thật sự hiệu quả, tránh dàn trải và phân bổ những nhiệm vụ có thể mang lại những sản phẩm của quốc gia.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất Bộ Tài chính phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học cho những tổ chức ăn nên làm ra, có hiệu quả và đầu tư cho những đề tài nghiên cứu đáp ứng được nhu cầu của sản xuất kinh doanh, của phát triển kinh tế – xã hội.
* Đó có phải là điểm mấu chốt nhất dẫn đến nhiều lo lắng cho rằng những bất cập trong đầu tư, phân bổ ngân sách… sẽ tiếp tục cản trở KHCN phát triển?
– Chỉ là một trong ba điểm mấu chốt và đấy mới là vấn đề đầu tư thôi. Còn cơ chế tài chính, như đại biểu Quốc hội đã nói rất nhiều là đã bị hành chính hóa việc làm khoa học. Cán bộ làm lĩnh vực này cũng hưởng lương như tất cả các ngạch công chức, viên chức.
Làm đề tài khoa học giống như làm công trình xây dựng cơ bản, làm cầu, làm đường… Cấp phát tài chính không đáp ứng tiến độ phê duyệt đề tài của Bộ KHCN hay đề xuất của các nhà khoa học. Nhà khoa học đề xuất rồi lại phải chờ phê duyệt. Sau khi được phê duyệt xong lại chờ tiền.
Trong khi đó, định mức chi thì thấp, nội dung chi không đầy đủ, thủ tục chi quá phức tạp… Có rất nhiều cái làm nhà khoa học nản lòng. Chính sách đối với cán bộ làm khoa học thì vô cùng bất cập, càng nói quốc sách hàng đầu thì cán bộ lĩnh vực này càng thiệt thòi.
Hiện nay cán bộ khoa học là giới duy nhất không có phụ cấp, trong khi tất cả các ngạch công chức, viên chức đều có phụ cấp và cũng không có chế độ ưu đãi gì…
Tôi cho rằng chính cơ chế tài chính, chính sách cán bộ… làm cho KHCN không thể phát triển được như mong muốn.
* Nhưng thưa bộ trưởng, liệu với nguồn lực hiện nay có giải được bài toán rắc rối, bất cập như đã đề cập không?
– Tôi cho rằng chỉ cần Quốc hội có quyết tâm và đồng thuận cao, quy định trong luật thì sẽ có những cơ chế chính sách có thể giải quyết được. Dành cho KHCN 2% tổng chi ngân sách hằng năm (như năm nay khoảng 15.000 tỉ đồng, tương đương 700 triệu USD) không phải là nguồn lực nhỏ.
Thế nhưng, vẫn cứ phân bổ như hiện nay thì không giải quyết được vấn đề. Cần giao thẩm quyền cho Bộ KHCN và chúng tôi dám chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẽ cơ cấu lại việc chi 2% này.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ có cơ chế huy động nguồn lực của các doanh nghiệp. Chỉ cần hơn 100 doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty… đầu tư cho KHCN thì sẽ có gấp đôi so với ngân sách nói trên. Nếu không giao thẩm quyền cho Bộ KHCN trong vấn đề này thì hoặc là doanh nghiệp không bị bắt buộc phải trích kinh phí cho đầu tư KHCN, hoặc có trích cho quỹ nghiên cứu KHCN cũng không dùng được do quy định chi tiêu tài chính rất ngặt nghèo
Ví dụ người ta trích ra 10 đồng dành cho đầu tư KHCN thì Nhà nước cho ưu đãi 2,5 đồng tiền thuế trong khi Nhà nước quản lý cả 10 đồng đấy như là quản ngân sách nhà nước. Như Viettel có thể dành khoảng 2.000 tỉ đồng đầu tư cho KHCN nhưng do quy định ràng buộc ngặt nghèo nên không tiêu được.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia nhiệm kỳ 2012-2016, tổ chức ngày 22-11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị hội đồng cần tập trung nghiên cứu hệ thống cơ chế chính sách cho hoạt động khoa học công nghệ, trong đó trong năm 2013 tập trung hoàn thiện chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh.
Thủ tướng cũng đề nghị hội đồng nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, thù lao cho các nhà khoa học, từ lựa chọn đề tài và đề xuất cơ chế, đặc biệt là những vấn đề mà xã hội có nhu cầu.

Theo TPO
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)