Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chỉ 31% trong 660 bãi chôn chất thải trên cả nước hợp vệ sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Nêu giải pháp cho vấn đề này, nhiều ý kiến nhấn mạnh yêu cầu lập quy hoạch quản lý chất thải rắn và quản lý theo quy hoạch. Cả nước đã có 57/63 địa phương lập và phê duyệt quy hoạch, các địa phương còn lại dự kiến hoàn thành nhiệm vụ này trong quý 4-2017.

Trong số 660 bãi chôn lấp chất thải (BCL) hiện nay trên cả nước (chưa thống kê đầy đủ các BCL nhỏ lẻ ở các xã), số BCL hợp vệ sinh chỉ chiếm 31%. 

Thông tin trên được nêu tại Hội thảo về quản lý bãi thải ở Việt Nam: hiện trạng và xu hướng vừa được Viện Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức sáng nay, 22-9.

Chỉ 31% trong 660 bãi chôn chất thải trên cả nước hợp vệ sinh ảnh 1
Quang cảnh buổi hội thảo

Đáng lưu ý, nhiều tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung, hầu hết BCL không hợp vệ sinh. Ở Tây Nguyên, các BCL lộ thiên thưởng bố trí tại các thung lũng, có nơi gần đầu nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường khi vực hạ nguồn.

Trong khi đó, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều BCL không có bờ bao nên khi lũ về, BCL bị ngập nước, gây ô nhiễm môi trường. Vào mùa khô, nhiều BCL hở, chất thải được đem đốt, gây ô nhiễm không khí…

“Việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành BCL vẫn thực hiện theo một thông tư liên tịch từ năm 2001, song quy trình vận hành thì chưa có hướng dẫn cụ thể”, bà Dương Thị Phương Anh, Viện Chính sách Tài nguyên và Môi trường, cho biết.  

Ông Hoàng Mạnh Hiệp, Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, chôn lấp không phải là phương thức xử lý rác thải được khuyến khích.

"Song hiện nay, trên cả nước mới chỉ có chưa tới 40 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 7.500 tấn/ngày, trong khi tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 38.000 tấn/ ngày", ông Hiệp nói.

Chỉ 31% trong 660 bãi chôn chất thải trên cả nước hợp vệ sinh ảnh 2
Rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp

Nêu giải pháp cho vấn đề này, các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu lập quy hoạch quản lý chất thải rắn và quản lý theo quy hoạch. Cả nước đã có 57/63 địa phương lập và phê duyệt quy hoạch, các địa phương còn lại dự kiến hoàn thành nhiệm vụ này trong quý 4-2017.

Chi phí và thu hồi chi phí cho hoạt động xử lý chất thải rắn cũng là một vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm phân tích. Ông Hiệp kiến nghị cần nghiên cứu, áp dụng giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt với lộ trình điều chỉnh giá từng bước đáp ứng yêu cầu bù đắp chi phí quản lý vận hành và đầu tư xây dựng.

Đại biểu cũng cho rằng cần xây dựng mức phí vệ sinh theo hướng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển riêng cho khu vực đô thị và nông thôn; rà soát, sửa đổi bổ sung các chỉ tiêu định mức kỹ thuật liên quan đến toàn chuỗi thu gom – vận chuyển – xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

ANH PHƯƠNG/SGGP

 

Bình luận (0)